Sà Lan tông sập cầu Ghềnh: Không có thương vong về người, thiệt hại kinh tế rất lớn

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết sự cố sà lan tông sập cầu Ghềnh sẽ mất từ 3 đến 5 tháng để khắc phục. Đến thời điểm này không có thương vong về người, thiệt hại kinh tế rất lớn.

* PV Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật....
19h30, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trực tiếp đến hiện trường vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.
 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trực tiếp đến hiện trường vụ sập cầu để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục.

 
Xác định danh tính 2 người trên tàu kéo sà lan gây tai nạn làm sập cầu Ghềnh là Nguyễn Văn Lẹ, quê Sóc Trăng và Trần Văn Giang quê tỉnh Bạc Liêu.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết sự cố mất từ 3 đến 5 tháng để khắc phục.
 Thứ trưởng BGTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục hậu quả.
18h30, Thượng tá Huỳnh Văn Nam, Phó thủ trưởng CQ CSĐT công an tỉnh Đồng Nai, trưởng PC45 công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án hình sự tai nạn giao thông đường thủy sà lan tông sập cầu Ghềnh
Công an tỉnh Đồng Nai xác định đến thời điểm này không có thương vong về người, thiệt hại kinh tế rất lớn.
16h50, Ba Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Hồng Trường đang vào hiện trường.
16h20, Lãnh đạo tỉnh ủy Đồng Nai đang triệu tập cuộc họp đột xuất, bàn phương án khắc phục hậu quả vụ sập cầu Ghềnh.
Cảnh sát PCCC Đồng Nai được chỉ đạo phối hợp với lực lượng PCCC, cứu hộ- cứu nạn TPHCM, Bộ GTVT… ưu tiên tìm kiếm người mắc kẹt dưới sà lan, dù bước đầu đã xác định không có người chết.
 Theo một nguồn tin, để khắc phục cầu Ghềnh sẽ cần khoảng 3 tháng.
16h, nhiều người nhái thuộc lực lượng PCCC Cứu hộ cứu nạn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã được điều động đến hiện trường vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai để triển khai lặn vào chiếc sà lan bị lật úp để tìm kiếm các nạn nhân có thể mắc kẹt bên trong.
 Lực lượng người nhái được triển khai tới hiện trường vụ sập cầu Ghềnh.
 
Trước đó, lúc 15h30, một đoàn công tác từ Cục Cảnh sát giao thông đường thủy Bộ Công an đã đến hiện trường, hỗ trợ tỉnh Đồng Nai. Song song đó, lãnh đạo Sở Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Đồng Nai cũng nhờ TP.HCM điều một đội thợ lặn chuyên nghiệp đến hiện trường.
 Đại tá Nguyễn Đăng Tiến – Phó Viện trưởng viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã trực tiếp đến hiện trường.
Theo nguồn tin PV nắm được, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu trong chiều nay, phải di dời được sà lan để tàu thuyền có thể lưu thông bình thường.
15h, Trao đổi với PV, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc cảnh sát PCCC TPHCM cho biết: Đã điều động 2 ca nô chuyên dụng, 30 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của một trưởng phòng cứu hộ - cứu nạn đã lên đường đến chi viện phối hợp cùng Công an tỉnh Đồng Nai để tham gia cứu hộ - cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh.
14h30Theo tin mới nhất của PV tại hiện trường, tài công Nguyễn Văn Thưởng, người điều khiển sà lan gây tai nạn đã đến Công an địa phương trình diện.
Hiện vẫn chưa xác định được có bao nhiêu người rơi xuống sông khi cầu sập.
Clip hiện trường sà lan tông sập cầu Ghềnh:
Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn sà lan tông sập cầu Ghềnh, TP Biên Hòa xảy ra vào khoảng 12h30 trưa ngày hôm nay (20/3).
Người dân sống gần khu vực cầu Ghềnh nối giữa phường Bửu Hoà và xã Hiệp Hoà (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cho biết, vào khoảng thời gian trên, họ nghe thấy tiếng va chạm khủng khiếp.
Mọi người chạy ra xem thì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Chiếc sà lan đang chạy trên sông Đồng Nai tông vào cầu Ghềnh làm gãy hai nhịp cầu.
"Lúc đó có nhiều xe máy đang lưu thông trên cầu (cầu đường bộ chung với đường sắt Bắc - Nam) bị rớt xuống sông, nhiều ghe gần đó đã cứu được 2 người. Giờ không biết số thương vong như thế nào", một người dân kể lại.
 Cầu Ghềnh bị sà lan tông sập.
Hiện tại hiện trường hai đầu đường qua cầu được phong tỏa nghiêm ngặt, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đội ngũ y tế bệnh viện Đồng Nai cũng đã có mặt để trực chiến ứng cứu.
Toàn bộ những chuyến tàu từ các tỉnh miền Trung, phía Bắc vào Sài Gòn và ngược lại đều tê liệt, dừng lại tại ga Biên Hòa.
Một số hình ảnh tại hiện trường vụ việc:
 Vụ tai nạn khiến hai nhịp cầu Ghềnh bị sập.

 Sà lan lật úp sau vụ tông cầu.

Vụ sầu cầu đã khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tạm thời tê liệt.

 Tất cả chuyến tàu phải dừng lại ga Biên Hòa.

 

 Hiện trường vụ việc đang được phong tỏa nghiêm ngặt.

Không rõ có bao nhiêu người bị rơi xuống sông.

...
Nhóm PV

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

nguyễn quang thê -

nên sử những người quản lý các phương tiện thủy nội địa. tàu thuyền phải đủ định biên,trang thiết bị,chứng chỉ , bằng cấp con người được đào tạo chính quy.( cảng đi,ai cấp giấy phép rời cảng ) về phương tiện có bảo đảm kỹ thuật không?thì đăng kiểm

hg -

Coi thường phép tắc luật lệ quá! phải xử thật nặng vụ này & vụ Hải Dương.

Hiển thị thêm bình luận