Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã nói như vậy khi đề cập đến những trường hợp thăng tiến thần tốc tại nhiều địa phương gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây.
Lỗi là ở người lãnh đạo
Bổ nhiệm cán bộ đang là câu chuyện rất nóng thời gian gần đây khi mà Bộ Nội vụ chỉ rõ có 9 địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan”, ông nhìn nhận những sự việc này như thế nào?
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Thật ra việc bổ nhiệm nhân sự thì không nên có cái nhìn định kiến là họ xuất phát điểm từ gia đình như thế nào, là ai mà chỉ cần biết họ là người tốt, có trách nhiệm với xã hội, được đào tạo cơ bản và hiểu biết với công việc sẽ được đảm nhiệm.
Về chuyện “cả họ làm quan” tại một số địa phương, tôi nghĩ chỉ nên chê trách những người bổ nhiệm đã không cân nhắc kỹ giữa năng lực thực sự của con em mình với con em của người lao động khác mà vốn dĩ họ có năng lực hơn con em mình. Đó là điều mấu chốt.
Bản thân tôi, bạn hay bất kì ai, khi có quyền được tuyển dụng, bổ nhiệm thì bao giờ cũng chọn người thân thiết hay họ hàng của mình vì đó là những người mình biết. Nhưng sự biết đó chưa đủ mà còn cần có cả sự tham gia của các cơ quan chuyên trách, các tổ chức đoàn thể xem xét và thẩm định năng lực người được bổ nhiệm.
Trong thực tế, khi lựa chọn nhân sự cho cơ quan, người lãnh đạo có quyền nghĩ đến con em mình tham gia vào công việc đó nhưng nó có đủ tiêu chuẩn hay không thì lại là việc khác, mặc dù ai cũng muốn ưu tiên cho con em mình. Điều đó không nên chê trách. Xã hội hãy rộng lượng khi nhìn về con mình, con người ở những chỗ như thế.
Cách tiếp cận của ông rất công bằng nhưng theo ông tại sao bây giờ cứ hễ nghe đến chuyện “ con ông cháu cha” hay “cả họ làm quan” thì người dân lại bức xúc như thế?
Bởi vì trên thực tế việc bổ nhiệm đó đã không làm đúng, vi phạm quy chế, lợi dụng chức vụ quyền hạn áp đặt để tìm cách đưa con em mình vào những vị trí vốn dĩ chúng không thể kham nổi, trong khi lại bỏ qua những đối tượng có đầy đủ điều kiện, năng lực và phẩm hạnh.
Như vậy, lỗi ở đây là của người lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn chứ không phải người được bổ nhiệm. Chúng ta đừng phê phán “con ông cháu cha” mà hãy phê phán những kẻ đã dựng chúng vào những chiếc ghế không xứng đáng được ngồi - Với chúng chỉ nên trách sự hèn nhát không dám khước từ và sự vô liêm sỉ đã nhận một trọng trách không thể kham nổi.
Tôi biết có những ông bố là cán bộ cao cấp đã từ chối, không tán thành bổ nhiệm con em mình vào chức danh lãnh đạo khi xem xét tương quan thấy không hợp lý.
Dư luận vừa qua cũng nêu rất nhiều về việc bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở tỉnh Thanh Hóa, cũng gây ra những bức xúc. Ông nhìn nhận thế nào về trường hợp này?
Trong vụ bổ nhiệm "thần tốc" ở Thanh Hóa, có vẻ như dư luận đang sa đà vào việc phê phán cô ấy có nhan sắc rồi thế này thế khác, nhưng tôi cho rằng, điều cần phê phán ở đây là tư cách, đạo đức và trách nhiệm của người lãnh đạo cũng như những cơ quan có thẩm quyền ở Thanh Hóa đã bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh, gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và chính quyền.
Đối với những cá nhân trực tiếp gây ra vụ việc này, theo tôi phải xử lý nghiêm minh và công khai với nhân dân, cần thiết phải đưa ra khỏi bộ máy quản lý của chúng ta. Đó cũng là một thử thách đối với Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa, cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Tương tự, với các địa phương, cơ quan khác, khi phát hiện sai trái cũng cần xử lý như vậy.
Vậy ông nhận xét thế nào khi cơ quan chức năng đã kết luận cô này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm, trong khi đó, có hàng loạt cơ quan quản lý, cơ quan đảng tham gia vào việc thẩm định, đánh giá về nhân sự?
Đây là điều đáng buồn, đáng xấu hổ. Nó thể hiện rõ là tổ chức Đảng ở đó yếu kém, các tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên ở đó hoạt động không hiệu quả thì lãnh đạo mới có thể thò tay vào bị khoắng lung tung như thế được. Có một tổ chức đảng vững mạnh đoàn kết, hiểu biết thì không bao giờ xảy ra chuyện đó được. Cho nên, ở đây có 2 vấn đề nổi lên là người lãnh đạo không đủ tư cách lãnh đạo nữa, 2 là các tổ chức chuyên môn cần phải được củng cố sắp xếp lại sao cho có thể phát huy được vai trò trách nhiệm của mình.
"Nếu lo lắng công việc, anh sẽ tìm bằng được người tốt để giúp anh làm việc tốt"
Trên thực tế, việc tuyển dụng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người đứng đầu, làm thế nào hạn chế điều này?
Đó là phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, tạo nên một sự đoàn kết,nhất trí trong cơ quan, hướng tới mục đích chung thì sẽ loại bỏ được sự chuyên quyền độc đoán, thiếu trách nhiệm của một vị thủ trưởng nào đó. Người ta có thể trù úm một cá nhân nhưng không thể trù úm được cả một tập thể, một dư luận xã hội mà vốn dĩ nó là chân lý cuộc sống.
Để tìm, lựa chọn được cán bộ đủ năng lực, thực tài thì theo ông nên lưu ý những vấn đề gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói một câu tôi thấy rất trúng là việc tuyển chọn, bổ nhiệm phải chọn người tài chứ không chọn người nhà. Ý của Thủ tướng là muốn phê phán cái cảm tính cá nhân mà bỏ qua những quy trình, quy định về năng lực, khả năng của cán bộ.
Thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng chọn người nhà nhiều hơn người tài bởi như tôi nói ban đầu là không thực sự khách quan, thiếu sự tôn trọng kỷ cương xã hội. Do vậy, để tuyển dụng, bổ nhiệm được người có năng lực thì tinh thần trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức rất quan trọng. Trong đó, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ trong cơ quan, đơn vị và vai trò của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan như thanh niên, phụ nữ, công đoàn… phải được phát huy đúng như chức năng vốn có của nó.
Muốn hay không muốn, trong bối cảnh như hiện nay, khi xảy ra quá nhiều bê bối về bổ nhiệm đã cho thấy, khi bổ nhiệm người không có năng lực tức là anh đã thoái thác trách nhiệm của mình, bởi người không có năng lực thì không thể giúp anh làm tốt công việc được, nếu anh lo lắng công việc thì anh sẽ tìm bằng được người tốt để giúp anh làm việc tốt, ngược lại, chính là anh coi thường công việc của anh.
Cảm ơn ông!
Theo Thái Sơn/Thanh Niên