Phượt thủ người Anh tử vong ở Fansipan: Xin ngừng phán xét

Google News

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến liên quan đến vụ phượt thủ Anh tử vong ở Fansipan.

Nhiều dân mạng cho rằng, phượt thủ Anh tử vong ở Fansipan Aiden Webb đã quá mạo hiểm với tính mạng, dẫn đến tai nạn thương tâm. Đồng thời, họ chỉ trích lực lượng cứu hộ làm việc chậm chạp, không hiệu quả.
Ngày 9/6, lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác nhận tìm thấy thi thể của du khách người Anh Aiden ở Fansipan, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa, Lào Cai) sau 6 ngày mất tích.
Ngày 10/6, thi thể của chàng trai được chuyển về tới Sa Pa trong sự xót thương của gia đình, bạn bè, người thân cũng như cộng đồng người trẻ đam mê phượt tại Việt Nam.
Du khách nước ngoài chủ quan, coi thường mạng sống?
Chỉ cần nhìn vào những tấm ảnh trên Facebook của Aiden, ai cũng có thể nhận ra sở thích hoạt động, đam mê du lịch mạo hiểm, chinh phục những điều mới mẻ của chàng trai 23 tuổi.
Vài ngày trước khi leo Fansipan, chàng trai gửi lời xin lỗi gia đình, bạn bè và những người khuyên anh không nên thực hiện chuyến đi đơn độc. "Xin lỗi những người đã nói tôi gàn dở, liều lĩnh. Tôi là người leo núi an toàn và biết giới hạn của mình", 9X viết.
Thế nhưng, vận động viên leo núi chuyên nghiệp này lại không ngờ được rằng, anh phải bỏ mạng ở cung đường lên đỉnh Fansipan.
Phuot thu nguoi Anh tu vong o Fansipan: Xin ngung phan xet
 Những hình ảnh cuối của Aiden Webb. Ảnh: FBNV.
Ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến nhận định, Aiden đã quá liều lĩnh, chủ quan khi leo núi mà không có đồ bảo vệ, thực phẩm, dụng cụ y tế, người đồng hành hay dẫn đường địa phương.
Tài khoản Phùng Mỹ Trung viết: "Theo kinh nghiệm của tôi, bạn Aiden Shaw Webb tự tìm đến cái chết vì bạn ấy quá chủ quan và khinh thường những nguyên tắc cơ bản phượt nơi hoang dã.
Bạn ấy không quý trọng mạng sống do tự tin thái quá khi một mình phượt vào một khu vực rừng núi được xem như khó khăn và hiểm trở nhất Việt Nam".
Anh giải thích, chàng trai đã "liều mạng đi một mình với một chiếc 'smart phone' mà chỉ là 'stupid phone' khi vào những hẻm núi hoàn toàn không có sóng 3G ở Fansipan", "quá tự tin vào khả năng khi không thuê một người dân bản địa hoặc đi cùng với một nhóm bạn. Nhóm bạn sẽ có thể cứu được anh ấy khi bị té gãy chân, tay, chảy máu, đập đầu vào đá khi đi qua các con suối ở vùng núi này nước rất lạnh và đầy rêu".
Anh Phùng Mỹ Trung viết thêm, Aiden leo núi gần như không có bất cứ thiết bị gì cứu hộ, không lều, võng, không đồ ăn, áo ấm đủ để mặc khi gặp sự cố. Mùa này những cơn mưa thất thường ở Fansipan sẽ khiến bạn bị thấm lạnh rất nhanh và mất nhiệt dẫn đến cái chết nhanh.
Ngoài ra, không ít dân mạng lên tiếng, việc cứu hộ phượt thủ người Anh rất khó khăn, dễ gây nguy hiểm cho đội tìm kiếm.
Những lời chỉ trích này đã gặp phải sự phản đối từ nhiều người. Hoàng Bách bình luận: "Về lý, sự việc chưa được điều tra xong, chưa xác định được lý do cụ thể, bao nhiêu lỗi cá nhân, bao nhiêu phần rủi ro tai nạn. Xin đừng phán xét.
Về tình, người vừa mất, bạn bè và gia đình chưa hết bàng hoàng, không nên dùng hình ảnh người đã khuất để bình luận".
Huy Art - một thành viên hội phượt nổi tiếng tại Hà Nội - khẳng định, những điều mọi người phán xét Aiden đều sai, vì chàng trai leo núi, chứ không đi du lịch thám hiểm.
"Đây là môn thể thao được châu Âu ưa chuộng. Họ sẽ leo đến đích bằng con đường ngắn nhất, vượt qua chướng ngại vật bằng tay không, không dùng bất cứ công cụ, thiết bị hỗ trợ nào, thức ăn cũng không, đôi khi chỉ mang 1 chai nước.
Aiden hoàn toàn không bị lạc, anh ấy lấy đường cáp treo để định vị. Các kiến thức sinh tồn khi bị lạc của bài viết không đúng trong trường hợp trên. Môn này cũng chỉ đi đơn lẻ hoặc nhóm siêu nhỏ, trong trường hợp cụ thể này thì không có bạn đồng hành cũng đúng", Huy Art cho hay.
Bên cạnh đó, một số người khẳng định, chàng trai 23 tuổi đã được sống và đi theo đúng đam mê của anh.
Nguyễn Hoàng Anh nhận định: "Ý kiến của mọi người bây giờ đều không còn ý nghĩa gì, vì đó là lựa chọn cách sống và đam mê của Webb. Cũng có thể Webb đang mỉm cười vì đã sống hết mình cho đam mê khám phá, cũng có thể anh ấy không cần ai xót xa hay khóc hộ. Tôi không chọn nguy hiểm như Webb, nhưng không có nghĩa là tôi có quyền phán xét anh".
Có hay không việc cứu hộ chậm?
Ngoài ra, mạng xã hội có rất nhiều bình luận chê bai đội cứu hộ làm việc chậm chạp, kém hiệu quả.
Không ít dân mạng chỉ ra rằng, Aiden mất tích 6 ngày (từ ngày 3/6) nhưng đến 9/6 mới được tìm thấy. Nếu công tác cứu hộ nhanh hơn, biết đâu khả năng chàng trai vẫn còn sống.
Phuot thu nguoi Anh tu vong o Fansipan: Xin ngung phan xet-Hinh-2
Địa hình rừng núi nguy hiểm, chỉ cần sơ sảy, nhóm tìm kiếm sẽ phải trả bằng mạng sống. Ảnh: FBNV. 
Nguyễn Trần Bình đặt câu hỏi: "Vị trí du khách người Anh gửi cho bạn gái rất gần với vị trí phát hiện thi thể nạn nhân nhưng 6 ngày mới được tìm thấy? Có phải đội cứu nạn làm việc chưa hiệu quả?".
Hoàng Trương đưa ý kiến: "Với địa hình khó đi lại như vậy, nếu ở Mỹ, sẽ có máy bay trực thăng tham gia tìm kiếm. Nhưng ở Việt Nam không có nên việc tìm thấy Aiden chậm hơn nhiều?".
Trả lời câu hỏi này, Đặng Tiến Trung - thành viên nhóm Phượt Hà Nội tham gia cứu hộ, nhóm đầu tiên tiếp cận được thi thể nạn nhân - đã đăng tải lên Facebook một clip ngắn quay trọn vẹn quang cảnh nơi Aiden bị nạn cùng dòng chữ:
"Đây là lý do không thể dùng trực thăng ở khu vực này, gió quẩn mây mù thất thường, cứu hộ cứu nạn vô cùng khó khăn do thuộc khu vực địa hình nguy hiểm nhất dãy Hoàng Liên Sơn.
Bên cạnh đó, con đường Aiden chọn không có ai, kể cả dân bản địa đi vào đó cả. Lý do dùng flycam ở khu vực này vì nhanh gọn, dễ di chuyển, có thể len lỏi vào những hốc hác vách núi mà con người không vào được".
Theo dõi đoạn video, ta thấy rõ khu rừng dày đặc cây cối, sương mù, gió thổi mạnh. Địa hình hiểm trở với những vách núi, đường đi lại khó khăn.
Cùng lúc đó, trên trang cá nhân Giang Lê (một thành viên khác) viết rõ các khó khăn của đội tìm kiếm gặp phải:
"Cả nhóm đến Sa Pa trong điều kiện mưa to rất bất lợi. Địa hình ở đây cực kỳ phức tạp, khi mưa liên tục trong mấy ngày vừa qua làm đường mòn trơn trượt, với việc mang thiết bị cồng kềnh nên di chuyển rất khó khăn.
Trong khoảng hơn 30 phút, flycam bay quanh khu vực có nhiều vực sâu và hố lớn cộng với sức gió mạnh, mây mù, ít nhất 2 máy suýt rơi, bay hạ cánh trong điều kiện mù đặc và mưa nhỏ".
Giang Lê cũng chia sẻ sự nguy hiểm mà đội phượt và những người tìm kiếm đã gặp phải. Nhiều lần cả nhóm đối mặt với cái chết khi treo mình trên cột trụ của cáp treo. Dưới áp lực của độ cao, địa hình, thời gian, đến cả người bay fly cam và nhân viên công ty cáp treo cũng thấy sợ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ, khu vực phát hiện nạn nhân quá hiểm trở, cộng thêm bất lợi về thời tiết, việc tiếp cận thi thể du khách người Anh trở nên khó khăn.
Aiden Shaw Webb (sinh năm 1993, Norwich, Anh) là vận động viên leo núi, tốt nghiệp ngành Sân khấu ở Đại học Anglie Ruskin.
Anh đã đi du lịch ở châu Á từ tháng 3 năm nay, đi qua Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Aiden dự định trở về Anh trong tháng 7.
Ngày 3/6, Aiden Shaw Webb bắt đầu thực hiện chuyến leo núi một mình từ hướng thôn Sín Chải, dọc theo tuyến cáp treo đến đỉnh Fansipan.
18h cùng ngày, anh thông báo cho bạn gái mình bị tai nạn, ngã xuống thác, chấn thương đầu gối và đá cắt chảy nhiều máu. Chàng trai đã gửi định vị GPS, tiếp tục thông tin với bạn gái đến ngày 4/6 thì mất liên lạc.
Sáng 9/6, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện thi thể của du khách sau 6 ngày mất tích.
Vị trí phát hiện xác nạn nhân trong một khe vực gần 2 thác nước nhỏ ở độ cao 2.500 m, gần trụ T4 cáp treo Fansipan Sa Pa.
Công tác khám nghiệm tử thi, chốt phương án vận chuyển thi thể nạn nhân từ vị trí tử nạn về chân núi bằng hệ thống cáp treo công vụ (cáp LCS) diễn ra trong ngày 10/6.
Phuot thu nguoi Anh tu vong o Fansipan: Xin ngung phan xet-Hinh-3
 Bản đồ nơi Aiden Shaw Webb mất tích.

Theo Zing.vn