Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh không có tâm lý thoải mái chuẩn bị cho con trong giai đoạn đầu bước vào lớp một. Chị Yến - ở quận Thủ Đức, TP.HCM - cho biết ban đầu, chị không định cho con đi học chữ ở ngoài.
Tuy nhiên, nghe nhiều người bảo sợ con không theo kịp bạn khi vào lớp một, chị cũng lo con mình lạc lõng. Nghĩ tới nghĩ lui, chị mới quyết định cho bé học trước vì "không bổ dọc cũng bổ ngang".
Tất tả tìm chỗ học
Có mặt tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 1, TP.HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều phụ huynh ngồi chờ con học ở cửa lớp. Có nhiều bậc phụ huynh dẫn cả 2 bé đi học. Một phụ huynh ở quận 3 cho biết con chị đang học lớp chồi và chị đã cho bé đi học được 2 khóa tại đây.
Quan sát một lớp rèn chữ, chúng tôi thấy có 10 bé theo học gồm nhiều lứa tuổi. Trong đó, 3 bé đang học mầm non, còn lại là từ lớp 2 đến lớp 5. Bé nào chưa biết chữ được cô kèm nhiều hơn, riêng bé mầm non thì chủ yếu rèn nét chữ cái và viết bằng bút chì. Bé nào chưa đọc được, cô sẽ dạy cách ghép vần.
Một giáo viên tại đây cho rằng thời điểm này mới bắt đầu học là quá trễ. Giờ vào lớp một là các bé biết đọc biết viết cả rồi. "Hầu hết trẻ ở đây đều biết chữ, kể cả trẻ mầm non. Nhiều bé chưa biết chữ nhưng sau một thời gian học, khi viết được chữ thì sẽ ghép được vần", giáo viên này cho biết.
|
Ảnh minh họa |
Theo một nhân viên tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 4, TP.HCM, trung tâm không nhận dạy chữ. Với những bé chưa biết chữ, giáo viên sẽ dạy luyện nét. Lớp học không phân biệt tuổi tác và trình độ (từ 5 đến 10 tuổi).
Tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 5, TP.HCM, bên cạnh lớp dạy chung cho trẻ mầm non và tiểu học (từ 5 đến 10 tuổi), trung tâm còn mở hẳn một lớp rèn chữ dành riêng cho trẻ mầm non từ 5 đến 6 tuổi.
Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội cũng phổ biến các lớp dạy thêm, học chữ… hoặc giới thiệu gia sư tại nhà dành cho mọi trình độ, trong đó có cả trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp một. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều phụ huynh đã tìm đến những trung tâm gia sư trên mạng. Nhiều phụ huynh để lại thông tin và chờ trung tâm tìm gia sư.
Lợi bất cập hại
TS Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng phụ huynh cho con theo học những nơi chưa cập nhật những thay đổi của chương trình mới. Học thầy cô trên lớp dạy theo kiểu mới sẽ khiến trẻ ngỡ ngàng, bị xáo trộn về tư duy, tạo ra lực cản về quá trình phát triển nhân cách và đặc biệt là phát triển về mặt trí tuệ.
Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 - phân tích: Một bộ phận phụ huynh, phần đông là người lao động, quan niệm cần cho con học trước. Họ không có nhiều thời gian, ít tiếp cận thông tin và không biết dạy như thế nào nên tìm đến những nơi quen biết để gửi gắm con.
Khi trẻ hết độ tuổi mẫu giáo, nhiều phụ huynh không nhờ cô mẫu giáo giữ nữa mà tìm các cô tiểu học để gửi con. Trong khi đó, hết năm lớp 1, trẻ vẫn tiếp tục học chữ nên việc đưa trẻ đi học thêm bên ngoài không có tác dụng gì, nếu dạy sai sẽ thành tật khó sửa.
"Việc các phụ huynh nôn nóng cho con đi học trước chương trình không phải xuất phát từ nhu cầu ham học hỏi của bản thân trẻ mà xuất phát từ tâm lý sợ con mình thua thiệt bạn bè. Nhiều phụ huynh đã bất chấp, cho con đi học, vô tình tạo cho trẻ tính ỷ lại. Trẻ sẽ hững hờ trước kiến thức mới mà thầy cô sẽ dạy sau này. Việc cho trẻ đi học chữ trước có thể mang lại một số lợi ích trước mắt nhưng đồng thời cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt về lâu dài", bà Phạm Thúy Hà nhấn mạnh.
TS Võ Văn Nam nhận định việc cho trẻ học trước là "lợi bất cập hại". Các bậc cha mẹ đã hại con hơn là giúp con. Việc học trước sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình biết rồi, chủ quan, không tập trung nghe thầy cô giảng bài, không theo kịp bạn bè và không cập nhật thêm kiến thức mới.
Bà Phạm Thúy Hà khuyên rằng nên để trẻ bắt đầu học chữ khi vào lớp một và dần quen với các hoạt động trong trường tiểu học. Thời gian đầu, trẻ có thể viết nguệch ngoạc nhưng sau đó sẽ dần bắt được nhịp và học tốt. Thay vì quá lo lắng cho việc luyện chữ, giáo viên và phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ vui chơi đúng với lứa tuổi của mình.
Theo Châu Đoan / Người Lao Động