Đó là quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Các cơ quan quản lý cần vào cuộc!
Ông Bùi Đình Ứng cho hay: Khi ê-kíp sản xuất ghi trong clip là “phim” thì sản phẩm phải được cấp phép. Nếu không được cấp phép mà ê-kíp thực hiện tự coi sản phẩm là “phim” rồi phân vai, “tự phong” biên kịch, đạo diễn, thì chưa cần biết sản phẩm có đả động đến ai, ê-kíp sản xuất cũng đáng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Ứng, dù những người phát tán clip trên YouTube có ghi: “Bộ phim này chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở đến các bạn trẻ đừng để một phút thiếu suy nghĩ và gây nên những lỗi lầm không bao giờ có thể quay đầu lại được để lại đau thương đến những người thân trong đó có ba mẹ gia đình và xã hội” thì những dòng chữ này vẫn không có giá trị. Bởi mục đích thực của việc sản xuất và phát hành “phim” trên, phải xét trên nội dung “phim” chứ không phải những dòng miêu tả.
“Bộ phim nói về vụ thảm sát Bình Phước, dù ê-kíp thực hiện có bỏ họ song có tên nạn nhân và các hành động tương tự vụ thảm sát thì vụ việc vẫn rất nghiêm trọng vì liên quan tới quyền nhân thân. Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần làm rõ mục đích phát tán sản phẩm là: tuyên truyền phòng ngừa tội phạm hay cổ súy tội ác?” - ông Ứng nêu rõ.
Cũng theo luật sư Ứng, việc ê-kíp sản xuất đưa về vụ án, khơi gợi nỗi đau, dựng lại hình ảnh có thể đối mặt với vấn đề khởi kiện từ người nhà nạn nhân. Vì hành động này có thể gây thiệt hại tới tinh thần gia đình nạn nhân.
Ông Ứng cho hay: Các cơ quan quản lý cần vào cuộc. Khi clip này đã đăng tải và phát tán trên mạng mà các cơ quan thẩm quyền thờ ơ thì rất đáng trách. Việc thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá nội dung “phim” về vụ thảm sát Bình Phước là điều cần thiết. Từ đó, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay để răn đe, tránh tạo tiền lệ xấu.
|
Cảnh trong phim ngắn vụ thảm sát số 6. |
“Ẩn” trên YouTube
Sau khi Thể thao & Văn hóa đăng tải bài viết Vụ thảm sát Bình Phước trên YouTube: Phim câu view vô nhân tính! vào sáng qua (11/8), dư luận bày tỏ nỗi bức xúc về việc ê-kíp sản xuất đã bất chấp đạo đức để gây sự chú ý.
Ngay trong sáng ngày 11/8, clip tiêu đề: “Phim ngắn Vụ thảm số át số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” đã được để chế độ “cá nhân” và ẩn trên kênh YouTube NhacPro Tube (kênh đăng tải clip trên và ghi “Độc Quyền Trên YouTube bởi NhacProTube”).
Đến chiều ngày 11/8, clip đã không xuất hiện trên kênh này song một số kênh YouTube khác đã nhanh tay đăng tải lại. Theo mô tả trên kênh NhacProTube trước đó, ê-kíp sản xuất clip “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6” gồm: diễn viên “ca sĩ” Trịnh Phong, “diễn viên hài” Thanh Bắc, “ca sĩ” A Huy, Khắc Huy, Nhật Thiên, Lee Na Trần, Băng Tâm, Thúy Vy, Thiên Hải, Hải Nguyên, Bé Chip ...; biên kịch: Lâm Đào; đạo diễn: Lâm Đào - Lee Tuấn Khang; quay phim: Huỳnh Tú Linh - Dũng Mập...
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa (TTXVN), các “ca sĩ”, “diễn viên” trên đều là những người chưa tìm được chỗ đứng thực sự vững chắc trong giới showbiz. Các sản phẩm nghệ thuật của các tên tuổi trên chưa nhiều và chưa có ảnh hưởng cũng như được ghi nhận trong cộng đồng.