Theo cơ quan điều tra, sau khi bị bắt, ông Hà Văn Thắm đã khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ sự thật vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Cho vay trăm tỷ không cần thế chấp
Ông Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, thường trú ở quận Tây Hồ, Hà Nội) có thâm niên 10 năm ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Oceanbank.
Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn từ 2011-2014, ông Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn của ngân hàng, Nhà nước và cổ đông.
Nổi bật trong các sai phạm là việc ông Thắm đã giải quyết cho Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung, trụ sở ở TP.HCM), vay vốn dù doanh nghiệp này không đảm bảo các điều kiện. Hành vi này được kết luận là trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục cho vay của Oceanbank, trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng này 500 tỷ đồng.
|
Ông Hà Văn Thắm khi còn đương chức. Ảnh: Người Lao Động. |
Đến nay, Công ty Trung Dung chưa trả nợ cho Oceanbank. Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm này thuộc về ông Hà Văn Thắm và 5 đồng phạm khác.
Liên quan đến khoản 500 tỷ đồng, tài liệu điều tra thể hiện đây là số tiền của Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh - bị cáo vừa bị tuyên án 30 năm tù hôm 9/9), vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đại Tín.
Cụ thể, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng dạng này về Oceanbank, ông Thắm gặp bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín), gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng và vay vốn của bà này.
Tháng 2/2012, bà Phấn giao cho cấp dưới ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm, với giá hơn 4,4 tỷ đồng. Hợp đồng giao kèo, chủ tịch Oceanbank phải chịu trách nhiệm trả nợ và được sở hữu tài sản từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng.
Ông Thắm sau đó cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Quá trình tiếp quản, ông Thắm nhận thấy ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi.
Chủ tịch HĐQT Oceanbank lập tức tính toán việc chuyển nhượng số cổ phần của ngân hàng này cho Phạm Công Danh với giá 800 tỷ đồng. Ông Danh đổi tên ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng.
Tuy nhiên, ông Phạm Công Danh cũng không trả tiền cho bà Phấn, chưa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng như thoả thuận.
Theo kết luận điều tra, nếu giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh không thực hiện sẽ không thể thanh khoản được các khoản vay có dư nợ lớn, dư nợ xấu của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cơ cấu và sát nhập ngân hàng Đại Tín vào ngân hàng khác.
|
Sự nghiệp của ông Hà Văn Thắm. Đồ họa:Vietnamplus. |
Nếu điều này xảy ra, việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín giữa bà Phấn, ông Thắm và ông Danh sẽ không thực hiện được và mọi thỏa thuận sẽ không thành công. Để tránh việc đó, ba người họ thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.
Ông Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty Trung Dung để vay (công ty mà Phạm Công Danh nhờ lái xe đứng tên làm giám đốc).
Tại cơ quan công an, ông Thắm khai đã cùng với cấp dưới ký quyết định cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng dù số tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho vay.
Sau khi nhận số tiền 500 tỷ, ông Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Đại Tín, đồng thời ghi nhận việc ông Danh trả tiền mua cổ phần ngân hàng này.
Huy động lãi xuất vượt trần
Theo kết luận điều tra, ông Thắm là người hiểu biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, để huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Hà Văn Thắm đã đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc Oceanbank, theo đề nghị của ông này.
|
Ông Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo đó, ông Thắm và Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương "thu phí" của khách hàng thông qua Công ty Cổ phần BSC Việt Nam và triển khai thực hiện. Việc này đã gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo Oceanbank chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại đây, vượt trần huy động đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank số tiền hơn 985 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, bị can Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bàn bạc thống nhất với ông Thắm đề ra chủ trương "thu phí" của khách hàng, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Sơn bị cáo buộc chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, Phó tổng giám đốc (bị bắt tháng 1/2015) triển khai thực hiện chủ trương trên, gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, ông Sơn được cho là thu lời bất chính hơn 69 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Thắm, Sơn và các lãnh đạo Oceanbank thống nhất về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng thuộc PVN gửi tiền tại ngân hàng này vượt trần lãi suất, gây thiệt hại hơn 544 tỷ đồng...
Theo cơ quan điều tra, quá trình bị xét hỏi, ông Nguyễn Xuân Sơn thiếu hợp tác, khai báo quanh co, liên tục thay đổi bản ghi cung.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Hà Văn Thắm (44 tuổi) và 16 đồng phạm liên quan trong vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Oceanbank.
Ông Thắm bị đề nghị truy tố về các 3 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong 16 bị can đồng phạm, có 14 người là thuộc cấp của ông Hà Văn Thắm tại Oceanbank.
>>> Mời quý độc giả xem video về đại án ngân hàng Xây Dựng (nguồn VTV):
Theo Zing News