Ghi nhận của PV, trước cống xả thải khu vực khách sạn Holiday (đường Võ Nguyên Giáp) nước đen ngòm liên tục được xả ra. Mùi hôi bốc lên không thể chịu nổi, đặc biệt là khi thời tiết TP Đà Nẵng mấy ngày qua đang rất oi bức. Một số nhà hàng ngay cạnh khu vực khách sạn Holiday, khách vẫn dập dìu ăn uống. Và một cảnh tượng cũng không mấy sạch sẽ là ngay phía dưới bãi biển, một họng cống lớn vẫn xả thải mùi nồng nặc.
Tại khu vực bãi biển Mân Thái, Thọ Quang, cống xả cũng đổ thẳng ra bãi biển.
Chị Nguyễn Thị Chín (quản lý dịch vụ kinh doanh số 6, bãi biển Mỹ Khê) lo lắng cứ ô nhiễm như thế này thì du khách bỏ đi hết, không làm ăn gì được. “Khu vực này có cống thải rất ô nhiễm, 10 hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi đang lâm vào cảnh khó khăn vì vắng khách. Khách đến đây là để ăn uống và tắm biển mà nước biển đen thui, hôi thối kinh dị như thế thì ai còn thèm đến nữa” - chị Chín xua tay nói.
Hiện nay, hầu hết du khách đều tập trung tắm biển tại khu vực biển Phạm Văn Đồng vì tương đối sạch sẽ.
Bí thư chỉ đạo cũng không ăn thua
Vào tháng 3-2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã đi thị sát các khu vực trên và rất bức xúc: “Bãi tắm đẹp thế này mà nước thải ô nhiễm quá. Mùi hôi thối như vậy còn ai dám đến tắm biển nữa. Nếu để biển ô nhiễm là mất khách du lịch. Cần phải triển khai xử lý sớm” - ông Anh yêu cầu.
Cụ thể, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương khắc phục vấn đề ô nhiễm đang diễn ra trầm trọng tại các bãi biển để chuẩn bị đón các sự kiện lớn, trong đó có APEC 2017.
Tuy nhiên, đến nay mọi việc đâu lại vào đó. Chỉ đạo của bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri mới diễn ra, nhiều người dân cũng phản ánh nhiều trước việc bãi tắm bị các nhà hàng, khách sạn đầu độc. Nguồn thu của các nhà hàng, khách sạn này là rất lớn nhưng họ lại không chia sẻ, chung tay cùng TP xử lý vấn đề môi trường.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho hay hiện các trạm bơm được bố trí ở các khu vực có cửa xả ra biển đã hoạt động hết công suất và quá tải, không thể xử lý nước thải hết được.
“Các nhà hàng, khách sạn mọc lên nhiều quá, xả thải vượt mức xử lý được thiết kế ban đầu. Dù khi xây dựng nhà hàng, khách sạn thì họ đều phải có đánh giá tác động môi trường, có bể chứa ba ngăn để xả nhưng xử lý không xuể nên nước thải ra vẫn gây ô nhiễm” - ông Mã nói.
Theo ông Mã, tình trạng ô nhiễm bãi biển do các cống xả thải từ các nhà hàng, khách sạn gây ra cũng khiến công ty không chịu nổi. “Hiện chúng tôi đã báo cáo lên các ngành chức năng và TP để xử lý. Chứ hiện tại việc xử lý nước thải của các nhà hàng, khách sạn rất khó thực hiện” - ông Mã cho biết.
Triển khai dự án xử lý nước thải 3.000 tỉ đồng
Hiện tại khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có chín cửa xả thải. Những cửa xả này đều có hệ thống thu gom nước trở về nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, do khu vực có quá nhiều nhà hàng, khách sạn nên việc xử lý nước thải xem như quá tải.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết giải pháp tới đây là sẽ làm hệ thống cống bao đường kính trên 2 m để thu gom hết lượng nước thải từ các nhà hàng, khách sạn tại các bãi biển để xử lý. Bên cạnh đó là nâng công suất, xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu vực này.
“Hiện nay TP đang tiến hành các biện pháp xử lý, trong đó đang tính toán để triển khai dự án thu gom, xử lý nước thải khoảng 3.000 tỉ đồng tại khu vực biển từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới” - ông Mã cho hay.
_________________________
Ven biển có hàng ngàn nhà hàng
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong ba năm qua, phòng khách sạn trên địa bàn tăng 2.000-3.000 phòng/năm. Năm 2015 có 490 resort và khách sạn, trong đó khách sạn 1-2 sao chiếm 80,4% với 18.233 phòng.
Đến năm 2016, con số resort và khách sạn trên địa bàn đã tăng lên 575 với 21.324 phòng, tăng đến 3.091 phòng. Trong đó có 459 khách sạn 1-2 sao với 10.038 phòng, chiếm gần 80% tổng số cơ sở lưu trú.
Ngoài ra, chỉ tính riêng khu vực ven biển có tới hàng ngàn nhà hàng.
|