Ngay sau cuộc họp buổi sáng, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp xuống các địa phương, địa bàn ven biển chỉ đạo phòng chống bão số 2.
Ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá- có mặt tại xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc từ 14h chiều. Tại đây, ông Nguyễn Đình Xứng ra âu thuyền trong cảng cá Hoà Lộc trực tiếp chỉ đạo cán bộ, nhân dân nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão đúng nơi quy định, neo buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa cẩn thận chủ động phòng chống bão số 2. Ông Xứng yêu cầu chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã, thị trấn phải tích cực, chủ động luôn trong tình huống sẵn sàng phòng chống bão. “Nếu xã nào, huyện nào để xảy ra thiệt hại lớn, đặc biệt thiệt hại về người, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm” – ông Xứng chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Văn Huân – Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Lộc- đến thời điểm 17h, tất cả các tàu đã vào neo đậu an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương đang thực hiện di dời dân cách khu vực mép nước từ 200m trở lên; chủ động tháo nước đệm ở các khu sản xuất nông nghiệp; cương quyết yêu cầu các chủ nuôi tôm sú, nuôi ngao ven biển vào bờ.
Các phương án di dân cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng khi bão lớn.
17h, sau khi chỉ đạo ở huyện Hậu Lộc, ông Nguyễn Đình Xứng cùng lãnh đạo tỉnh đã đi phà qua Hoằng Hoá tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó bão số 2.
Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá - đã trực tiếp xuống khu vực ven biển các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia. Trao đổi với Lao Động, ông Quyền đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo xã, huyện và người dân. Theo ông Quyền, đến 17h, tất cả tàu thuyền đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn; các phương án ứng phó bão số 2 đã được chuẩn bị, rà soát kỹ lưỡng.
Ông Ngô Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh - cũng đã xuống chỉ đạo ứng phó bão số 2 tại TP. Sầm Sơn.
|
Tàu cá đã được neo đậu an toàn tại cảng cá Hoà Lộc. Ảnh: H.T |
|
Nhân dân xã Hoà Lộc chuẩn bị ứng phó bão số 2. Ảnh: H.T |
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 14h ngày 16.7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Theo Xuân Hùng - Hoài Thu/ Lao động