Nước ta có hàng vạn di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3.200 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng. Từ cuối thế kỷ 20, hàng loạt di tích bị xuống cấp nghiêm trọng nên vấn đề trùng tu và tôn tạo được Nhà nước quan tâm thích đáng.
Tuy nhiên, sau trùng tu, nhiều công trình cổ kính Việt Nam bị biến đổi, mất đi hình hài, dáng dấp và nét cổ kính ban đầu khiến người dân tiếc nuối.
1. Nhà hát Lớn Hà Nội đang được sửa chữa, quét lại màu sơn
Khởi công năm 1901, công trình hoàn thành năm 1911 theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp), nhưng tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Nhà hát Lớn là một trong những công trình rất có ý nghĩa đối với người dân Thủ đô, một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Do thời gian, một số hạng mục bắt đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nên giữa tháng 7 vừa qua, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được sơn sửa, làm mới lại toàn bộ. Toàn bộ mặt tiền nhà hát đã được sơn mới với hai màu trắng và vàng tươi.
|
Nhà hát Lớn Hà Nội trước và sau khi tu sửa. |
Màu áo mới của nhà hát đã gây ra nhiều tranh cãi lớn. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy mặt tiền công trình đổi màu trắng vàng khác xa với diện mạo cũ. Có quan điểm đồng tình, nhưng nhiều quan điểm cho rằng màu vàng chói lọi đã làm mất đi nét kiến trúc cổ của công trình nghệ thuật cấp Quốc gia này.
2. Tháp nước Hàng Đậu
Dự án “Cải tạo, chỉnh trang khu vực Tháp nước Hàng Đậu phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” với các hạng mục trát vá, chỉnh trang ngoại thất tháp nước; làm mới cửa sắt, hoa sắt cửa sổ tháp nước; lợp mới mái tôn...
|
Tháp nước Hàng Đậu trước và sau. |
Theo đó, toàn bộ lớp vữa cũ “được” đục bỏ và trát lại bằng vữa xi-măng; lớp gạch ốp cũ cũng “được” đục bỏ và ốp, trát lại... Hình khối và màu sắc tự nhiên của những viên đá cũ (do người Pháp xây bằng đá phá Thành cổ Hà Nội từ năm 1894), cùng với màu bê-tông thô mộc làm nên tông màu cổ kính, kỳ bí của tháp nước cổ giữa Hà Nội sẽ không còn nữa.
3. Thành nhà Mạc bị biến thành “lò gạch”
Thành nhà Mạc dù nhuốm màu hoang phế nhưng nhiều hạng mục quý vẫn phong rêu đứng đó như: hai phom cổng thành và nhiều đoạn tường thành cây dại trùm phủ, màu thời gian của di tích ngót nửa thiên niên kỷ tuổi đã tạo nên vẻ quyến rũ đặc biệt.
Sau khi trùng tu tôn tạo tốn nhiều tỉ đồng thì hầu như toàn bộ cây cổ thụ, các dấu tích rêu phong của hơn 400 năm lịch sử in dấu trên các bức cổ thành đã bị gọt mất, “phun hóa chất diệt trừ tận gốc cây dại”. Thay vào đó là những kiến trúc đá ong mới tinh khôi, chít chát bằng gạch vữa trắng toát.
|
Hai tòa cổng thành cổ kính và nhiều đoạn tường thành được làm mới, bị biến dạng thành những cái “lò gạch 1 ngày tuổi”. |
Hai tòa cổng thành cổ kính và nhiều đoạn tường thành được làm mới, thấp hơn so với trước, bị biến dạng thành những cái “lò gạch 1 ngày tuổi”. Ngoài ra, có hệ thống cọc i-nox và hàng rào xích sắt bao quanh cổng thành, "như một cái cổng của nhà trọc phú". Cái hồn cốt của di tích như bát nước đầy đã đổ đi không tài nào lấy lại được.
4. Nơi thờ hai vị vua Lý biến dạng sau khi trùng tu
Đình Tình Quang, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội là một trong những công trình văn hóa, lịch sử được trùng tu nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng. Thế nhưng sau cuộc trùng tu tốn kém, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia này bị làm biến dạng.
Nhà chủ táo ở phần hậu bầu của đình, nơi để chuẩn bị lễ (như đồ xôi, luộc gà...) và nơi thay áo sống của ban tế (theo lệ làng không được làm những việc trần tục, kể cả thay quần áo trong đình) bị phá bỏ.
|
Nhà hữu vu, tả vu cổ kính cũng bị phá bỏ và thay vào đó là xây dựng nhà 3 gian tiền bẩy hậu bẩy. |
Ngoài ra, nhà hữu vu, tả vu cổ kính cũng bị phá bỏ và thay vào đó là xây dựng nhà 3 gian tiền bẩy hậu bẩy, làm cửa bức bàn đã phá vỡ cảnh quan chung của ngôi đình. "Việc nâng sân quá cao, thay gạch cũ bằng gạch mới làm lấp đi một số hệ thống kiến trúc cổ của đình, điển hình phải kể đến trụ trước của đình bị lấp hết đế dưới...".
Thay đổi lớn nhất mà người dân địa phương nhìn thấy sau cuộc trùng tu này là biến ao đình từ hình vuông sang hình bán nguyệt.
5. Đình cổ Quang Húc bị trùng tu cẩu thả
Đình cổ Quang Húc (thuộc xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội) là một ngôi đình cổ có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tuy vậy, nhìn những hình ảnh vá víu phản cảm trong quá trình trùng tu đình Quang Húc, có lẽ không một ai có thể chấp nhận được việc ứng xử cẩu thả như thế này.
|
Những hình ảnh vá víu phản cảm trong quá trình trùng tu đình Quang Húc |
Đầu cột, vị trí tiếp giáp của các đầu xà, thanh rường đều bị mở rộng. Nhiều khe hở giữa những mối nối ghép các chi tiết cột, xà. Nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp sai lệch hẳn so với ban đầu, cá biệt có cấu kiện chỉ được lắp gá, không ăn mộng như chực rơi xuống. Không những sai kết cấu, một số cột đình còn xiêu vẹo. Phần mái đình, những cấu kiện cũ bị sắp xếp lung tung, không đồng nhất. Cặp nghê cổ suýt nữa bị đơn vị thi công vứt bỏ để thay thế bằng cặp nghê mới có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc.
Dùng lớp sơn công nghiệp phủ lên trên lớp sơn ta trên toàn bộ hệ thống gác lửng (y môn, cửa võng...). Xà khám thờ cũ với những hoa văn họa tiết tinh tế, đậm chất dân gian vẫn tái sử dụng được hiện đang bị bỏ lại dưới gầm khám thờ thay thế bằng xà khám thờ chạm trổ hình "quái thú". Trên mái đình, những con xô, con kìm làm bằng đất nung biến mất, thay thế bằng hiện vật mới được đắp lại bằng xi măng gắn sành...
6. Quái thú chắn lăng Ngô Quyền
Tháng 3/2014, việc tu bổ và tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền tại làng Cam Lâm, xã Đường Lâm (Hà Nội) sau 6 tháng triển khai đã vấp phải sự phản đối của dòng họ Ngô và nhân dân Đường Lâm.
Một trong những điều gây tranh cãi nhất là việc xây mới một bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ chắn ngay lối vào lăng mà theo GS Trần Lâm Biền, người tư vấn đặt bức bình phong, đây là sáng tác của thợ và nó chưa đạt được giá trị nghệ thuật.
|
Bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ chắn ngay lối vào lăng. |
Sau nhiều ồn ào, quái thú trên bình phong bị đục bỏ phần phản cảm, và sau đó, đơn vị thi công đã tự ý đập bỏ toàn bộ bình phong. Việc ứng xử với một di tích cấp quốc gia như thế này được xem là quá dễ dãi và cẩu thả.
7. Rồng bò... ngược ở di tích bên Hồ Gươm
Bên bờ Hồ Gươm, Hà Nội có hai di tích nằm cạnh nhau đều đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia là khu tượng đài vua Lê Thái Tổ và đình Nam Hương. Hai di tích này vốn được ngăn cách với nhau bởi một bức bình phong.
|
Tượng rồng bò ngược trên cầu thang dẫn lên đình. |
Tuy vậy, sau đợt tu bổ vào năm 2009, bức bình phong đã tồn tại hơn một thế kỷ đã bị phá thông. Giờ đây, từ đình Nam Hương có thể đi thông sang khu tượng đài vua Lê và ngược lại. Như vậy, hai khu di tích riêng rẽ với hai lối vào khác, được xây dựng cách nhau nhiều thế kỷ giờ đã được “gộp” làm một.
Sau khi trùng tu, nhiều kiểu kiến trúc mới được đưa vào di tích đình Nam Hương như tượng rồng bò ngược trên cầu thang dẫn lên đình, tượng rồng ôm lấy góc tường ngôi đình, là những kiểu kiến trúc chưa bao giờ thấy ở các di tích cổ của Việt Nam.
Hồng Liên (Tổng hợp)