Anh L.T.D, nhà ở ấp Hương Phước, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) kể lại cách đây một tuần, anh đi ngang qua đường Võ Thị Sáu (KP1, P. Thống Nhất, TP.Biên Hòa) thì bắt gặp hình ảnh người phụ nữ trẻ ôm chặt một bà cụ nằm lim dim bên vệ đường, ngồi than khóc thảm thương.
|
Hai mẹ con “đóng vai” bệnh nặng ngồi than khóc bên đường để đánh động lòng thương hại của mọi người (ảnh chụp lúc 9h ngày 23/7, trước cổng di tích Nhà lao Tân Hiệp, P. Tân Tiến, TP.Biên Hòa). |
Động lòng, anh L.T.D tiến tới ngừng xe hỏi thăm sự tình thì người phụ nữ nói tên Hương, còn bà cụ là mẹ chồng, mắc bệnh tiểu đường rất nặng. Hai mẹ con nhà tận huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) lên bệnh viện Đồng Nai chữa trị, bệnh tình bà mẹ chồng chuyển biến nặng hơn mà lại hết tiền nên hai mẹ con mới dìu dắt nhau ra ngồi vỉa hè xin tiền người đi đường để đón xe về quê. Vì lòng trắc ẩn thương người nên anh L.T.D không ngần ngại móc bóp cho vài trăm ngàn.
|
Người thanh niên “giả bộ” bệnh tâm thần đang... quỳ lạy người đi đường để xin tiền tại một ngã tư trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn vào sân bay Biên Hòa (KP10, P. Tân Phong, TP.Biên Hòa) (ảnh Thái Văn Công chụp ngày 6/7). |
Tuy nhiên, mới đây vào sáng ngày 23/7, khi đi trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn trước di tích Nhà lao Tân Hiệp (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thì anh D. lại tiếp tục gặp hai mẹ con mà tuần trước anh đã cho tiền. Họ tái diễn màn ôm nhau than khóc, diễn tiếp “vở kịch” cũ: "Mẹ em bệnh tiểu đường nặng lắm. Mẹ con em hết tiền đón xe về quê rồi. Bà con cô bác thương tình cho vài ngàn ....".
|
Người dân Biên Hòa lâu nay đã “chai” mặt người đàn ông “ăn xin” này. Ông ta đổ thuốc đỏ vào mỏm chân bị cụt, giả bộ kêu đau nhức vì vết thương nhiễm trùng mà không có có tiền...mua thuốc (ảnh chụp lúc 10h ngày 23/7 tại góc ngã tư Tân Phong, đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). |
Biết ngay đây là trò lừa trá hình giữa ban ngày, anh D. bức xúc : “Vài trăm ngàn mình cho hai người đó không đáng bao nhiêu nhưng tức là lòng tốt của mình bị đặt không đúng chỗ, không đúng đối tượng...”.
Còn gần đây, tại một các góc ngã tư ở Thành phố Biên Hòa, người đi đường đã quá quen thuộc với một người thanh niên khỏe mạnh quỳ lạy bên vỉa hè. Hai tay người thanh niên này cứ chắp lạy lên xuống lia lịa để xin tiền người đi đường, hỏi gì cũng lắc đầu ngơ ngơ như người bệnh tâm thần (?). Có người “động lòng” dừng xe bỏ vài ngàn đồng vào cái tô trước mặt.
|
Trong khi có những kẻ lười biếng giả bộ thương tật thì chị Huỳnh Thị Thuận (40 tuổi) bị cụt hai tay, hai chân hàng ngày vẫn ngồi tại góc ngã tư đường Đồng Khởi (P. Tân Phong, TP. Biên Hòa) cố bán 300 tờ vé số để mưu sinh. |
Anh Thái Văn Công (công tác tại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai) cho biết anh thường để ý người thanh niên này liên tục thay đổi vị trí “quỳ lạy” của mình và số tiền người thanh niên đó “thu” được hàng ngày “quỳ lạy” không phải là con số nhỏ.
|
Ông Nguyễn Viếng (78 tuổi), dù bị mù hai mắt, suốt 50 năm nay ông kiếm sống lương thiện bằng nghề bán vé số bằng chính sức lực ít ỏi của mình. |
Như vậy, trong khi có người bệnh tình, khuyết tật thực sự họ cũng cố lao động bằng chính sức lực ít ỏi còn lại của mình để nuôi sống bản thân thì ngược lại có những kẻ lười lao động giở trò giả bệnh, giả khổ để kiếm sống và thậm chí “làm giàu” bất chính. Điều này vô hình trung đã làm mất niềm tin cuộc sống của người trót “lỡ dại” làm phước cho tiền bọn lừa đảo.
Theo Pháp Luật TPHCM