Liên quan đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đường nước Sông Đà, đa phần người dân đều tỏ ra lo lắng, thậm chí phản đối việc chọn nhà thầu là Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cho dự án xây dựng đường ống nước sạch sông Đà số 2. Bởi theo người dân, nhìn từ thực trạng đường ống nước sạch sông Đà số 1, cũng có nguồn gốc từ nhà thầu Trung Quốc đã vỡ đến 17 lần, khiến đời sống của hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
|
Đường ống nước sạch sông Đà số 1, cũng có nguồn gốc từ nhà thầu Trung Quốc đã vỡ đến 17 lần. |
Vỡ 17 lần, người dân đã quá khổ rồi...
Chia sẻ với báo Kiến Thức, chị Hoàng Linh cho biết: “Tôi thấy lo lắng khi nhà thầu Trung Quốc phụ trách dự án này. Bây giờ thực phẩm đã nhiễm độc, thịt lợn tồn dư thuốc ngủ, chất tạo nạc gây ung thư, không khí ô nhiễm. Nhiều trong số đó có dấu ấn của các sản phẩm xuất phát từ Trung Quốc. Chất lượng nước dùng ăn uống là quan trọng, có thể không thấy ngay hậu quả nhưng nhiều năm sau mới thấy được, lúc đó, chúng ta sẽ xử trí ra sao? Điều lo lắng này không phải không có cơ sở.”
Đồng quan điểm với chị Linh, cô Sim ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nêu ý kiến: “Sống ở thủ đô, tôi cảm thấy vui mừng vì sắp có đường ống nước sạch mới nhưng nghe tin nhà thầu Trung Quốc thi công thì niềm vui vụt tắt. Mặc dù không phải bất cứ đồ Trung Quốc nào cũng không đảm bảo hoặc nguy hiểm, nhưng trong sự việc này, tôi không khỏi thấy phân vân. Nếu nhà thầu Trung Quốc phụ trách đường ống sông Đà số 2, liệu họ có cung cấp những sản phẩm chất lượng, đảm bảo hay không? Lấy gì để người dân tin tưởng vào dự án này, hay đơn giản chỉ vì chọn nhà thầu Trung Quốc vì rẻ?”.
"Của rẻ là của ôi"
Một bạn đọc khác đặt vấn đề: “Việt Nam đã sản xuất được ống gang dẻo, phụ kiện gang dẻo, van gang dẻo phục vụ ngành cấp và thoát nước. Tại sao không sử dụng hàng Việt Nam...? Hãy để các doanh nghiệp trong nước làm, khuyến khích sản xuất trong nước, còn nếu trong nước không làm được thì nên nhập hàng của Nhật, Hàn...có thể giá thành cao hơn. Xây dựng đường ống nước mà cũng cần nhà thầu nước ngoài, vậy khẩu hiệu hô hào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để làm gì? Chúng ta đào tạo hàng ngàn Kỹ sư, Kiến trúc sư… để làm gì? Nếu kêu gọi nhà thầu trong nước, tôi thấy các công ty Việt Nam dư sức làm được”.
Trong khi đó, theo chị Hồng Nhung (Mễ Trì hạ, Từ Liêm, Hà Nội): “Nhà thầu Trung Quốc đã có “tiền lệ” về chậm tiến độ, đội vốn… Trong hầu hết các gói thầu, các nhà thầu Trung Quốc thường chiến thắng nhờ giá thầu thấp, tuy nhiên việc triển khai không đúng tiến độ hoặc với chất lượng không tốt dẫn đến việc phát sinh thêm chi phí, khi đó giá thành thực hiện gói thầu sẽ không còn giống như giá thầu. Từ vụ nhà máy luyện thép, xi măng cho đến vụ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, sao chúng ta cứ lấy tiêu chí giá rẻ nhỉ? Tiền nào của ấy thôi, cái gì giá rẻ thì chất lượng cũng “rẻ”. Các cụ nhà ta bảo rồi, “của rẻ là của ôi”.
Cũng như chị Nhung, chị Mai (Mỹ Đình, Hà Nội) quan ngại: “Chẳng biết có tiết kiệm được vài trăm tỉ thật hay không hay vốn cứ đội dần lên gấp đôi, gấp ba. Cứ nhìn dự án đường sắt trên cao của Hà Nội sẽ rõ: giá rẻ + chậm tiến độ + chất lượng kém + điều kiện khách quan = vượt dự toán khủng. Hơn thế nữa, đây không phải chỉ là tiền mà là sức khoẻ của biết bao thế hệ. Chất liệu đường ống có cơ quan nào giám sát hay kiểm định không? Hay đến một ngày nào đó lại thông báo với dân đường ống có chứa chất gây ung thư hay suy thận...”.
“Tôi sẵn sàng góp 100.000 và mỗi người dân Hà Nội cùng góp mỗi người 100.000 để được dùng ống nước từ Châu Âu, thuê các công ty từ Châu Âu về thi công và tư vấn giám sát. Bởi Châu Âu họ rất chú trọng đến sức khỏe xã hội chứ chưa nói tới chất lượng, kể cả các con đường hay các công trình sau này. Dân chúng tôi sẵn lòng đóng góp để được chất lượng tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Không biết có tiết kiệm được 600 tỷ như đã nói hay không nhưng dám chắc một điều, sức khỏe dân Hà Nội sẽ bị đe dọa.” – Một độc giả bày tỏ quan điểm cá nhân.
Không phản đối nhưng anh Đức Chính ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Không nên giữ quan niệm cứ nhà thầu Trung Quốc là chất lượng kém. Tuy nhiên, nhà thầu Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, nguồn nước đảm bảo về lâu về dài chứ không phải không phải một, hai năm bảo hành cho xong rồi sau thời gian đó, đến khi xảy ra chuyện lại phủi tay.”.