Sáng nay, Quảng Ninh đã tổ chức họp báo để thông tin về việc khắc phục hậu quả đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn thành phố. Ông Phạm Đình Hòa, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, cho biết, mưa lũ ở Quảng Ninh đã nhấn chìm gần 4.000 ngôi nhà, gây thiệt hại 1500 tỷ đồng, nhiều vùng bị cô lập, giao thông chia cắt...Nguyên nhân gây ra những thiệt hại lớn không phải do sự chủ quan...
|
Quang cảnh buổi họp báo. |
5 ngày mưa mưa lũ kéo dài đã khiến tỉnh Quảng Ninh phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngập sâu trong nước, lũ lớn, sạt lở đất khiến cho nhiều khu vực bị cô lập, nhiều người dân phải chịu cảnh nước lũ bao trùm những ngày qua. Toàn bộ TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, bị tê liệt hoàn toàn về giao thông; các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của TP. Hạ Long, phường Quang Hanh của TP. Cẩm Phá, đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn đang ngập lụt và bị chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.
Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt trên diện rộng, hàng loạt các khu vực bị cô lập và ngập sâu, có nhiều khu vực ngập sâu đến 1,5m, có nơi đến 2m, thậm chí có nơi sâu gấp nhiều lần như tại Bản Sen huyện Vân Đồn ngập đến 10m. Đến nay, mưa đã tạm ngớt, nhưng theo thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ ngày 29/7 đến ngày 03/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc.
Trả lời cơ quan báo chí về nguyên nhân dẫn đến những tổn thất về người và tài sản, ông Hòa cho hay là do mưa lớn kéo dài gấp nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua. Hệ thống thủy lợi, thoát nước không đáp ứng được do được xây dựng từ 20-30 năm trước. Nguyên nhân nữa là do tác động của thủy triều.
|
Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp. |
Trước những thắc mắc về hệ thông tiêu thoát nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là tại khu vực TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả trong những ngày qua đã không phát huy tác dụng khi tình trạng ngập úng kéo dài xảy ra, ông Hòa cho hay, hệ thông cống tiêu thủy lợi chưa lường trước được tần xuất biến đổi khí hậu, khi mưa lớn bất thường xuất hiện, chỗ nào chưa hợp lý thì phải điều chỉnh cho hợp lý, không phải dựa vào đã quy hoạch. Đối với việc quy hoạch các khu dân cư thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng, văn phòng chỉ tiếp nhận trong việc tham mưu…”.
Nói về việc có hay không sự chủ quan dẫn đến những thiệt hại nặng nề, ông Phạm Đình Hòa cho biết: “Chúng tôi nắm được thông tin về thời tiết mưa tại Quảng Ninh tuy nhiên trong thông báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương không nói cụ thể là nơi nào mưa nhiều mưa ít, vì thế rất khó nắm rõ. Ngay khi nhận được thông tin về tình hình mưa trên diện rộng vào ngày 25/7, chúng tôi đã điện trực tiếp đến các chủ tịch huyện, TP triển khai phương án phòng chống lũ lụt. Chỉ tính từ ngày 25/7 đến 13h ngày 28/7/2015 ở Cô Tô là 779mm, Móng cái 680mm, Hải Hà 600mm, Cảm Phả là 853mm…Trận mưa lũ vừa qua được đánh giá là một trong những mưa lũ lớn nhất trong lịch sử 40 năm qua tại Quảng Ninh.
“Từ năm 2008, Quảng Ninh đã có kế hoạch di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở như Móng Cái, Cẩm Phả, còn lại có nguy cơ sạt lở không lớn. Đối với nơi sạt lở vừa qua tại Hạ Long là do mưa quá lớn, nhiều năm trước chưa xảy ra tình trạng trên. Những điểm di dân TP cũng có rồi, còn những chỗ sạt lở chỉ là quá sức chịu đựng, chưa lường hết được”, ông Hòa cho hay.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi các cơ quan đơn vị nhà nước, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên cả nước sẻ chia tấm lòng với người dân Quảng Ninh sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Sau cuộc họp, Ban lãnh đạo sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành quyên góp ủng hộ người dân bị thiệt hại do mưa lụ với số tiền 12,5 triệu đồng.
Hưởng ứng thư kêu gọi của tỉnh Quảng Ninh, tính đến sáng 30/7, các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đăng ký tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ với kinh phí hơn 26,4 tỷ đồng.
Hải Ninh