Tình hình mới nhất về mưa lũ ở Quảng Ninh, theo quan sát của PV Kiến Thức, chiều 29/7, dù mưa đã ngớt nhưng toàn bộ thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả vẫn bị tê liệt hoàn toàn về giao thông. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu (TP Hạ Long), phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) đang bị ngập lụt và chia cắt, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái. Tổng số hộ dân bị ảnh hướng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 3.700 hộ, trường học, bệnh xá bị ngập nặng, có nơi ngập sâu trên 2m, rất nhiều tài sản bị thiệt hại.
Ghi nhận tại TP Hạ Long: Mưa lũ đã làm sập 15 ngôi nhà, nhiều ha hoa màu bị ngập úng, hơn 1.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; đổ 6 cột điện cao thế và hạ thế… Chiều 29/7, nhiều tuyến đường nước đã rút, người dân ra dọn dẹp để ổn định cuộc sống.
|
Mưa lớn đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề tại Quảng Ninh. |
Tại TP Cẩm Phả: Hơn 2.000 hộ dân tại các phường Quang Hanh, Cẩm Bình, Cẩm Tây… bị ngập lụt. Tại khu vực phường Mông Dương, bãi thải Đông Cao Sơn bị vỡ, bùn thải tràn vào 40 hộ dân; mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân, tổng thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng. Đường ống cấp nước sạch 800 cho TP Cẩm Phả và TP Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị dứt gẫy, thời gian khắc phục còn kéo dài do thời tiết vẫn còn bất ổn. UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục bằng biện pháp thay thế đường ống cấp nước phụ. Mưa lớn đã làm ngập 2 máy xúc, 3 máy khoan, 2 xe ô tô, ngập 2 lò sản xuất (của Công ty than Mông Dương và Công ty than Quang Hanh); đổ một số cột điện và sạt lở, ách tắc hàng trăm km tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than, ảnh hưởng đến sản xuất của một số mỏ hầm lò trên địa bàn tỉnh (hiện nay vẫn đang tiếp tục xác định các thiệt hại).
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức tại TP. Cẩm Phả, các điểm thuộc đơn vị 23 (gần đền Cửa ông), đội cầu 20, cầu 2 Vân Đồn, khu vực Mông Dương, khu vực giáp Dương Huy và Quang Hanh… đang có sạt lở nghiêm trọng đất từ các ngọn đồi xung quanh đường. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông như xe máy vẫn cố luồn lách qua các khu vực này. Có những điểm, đất lở từng mảng, người dân ở dưới chạy bộ, chạy xe tránh đất lở. Hiện tại, mưa đã giảm, nhưng người dân vẫn lo sợ cơn mưa lũ sắp tới sẽ kéo dài. Hiện tại, đập nước 790 và đâp 978 ở phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả có nguy cơ bị vỡ. Công an TP. Cẩm Phả đã di dời dân. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chần chừ vì tiếc tài sản trong gia đình. Quốc lộ 18 đoạn đi qua dốc Đèo Bụt đoạn nối TP Hạ Long và Cẩm Phả vẫn tiếp tục ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt.
|
Sạt lở đất ngăn cách đường tại Cẩm Phả. |
Tại huyện Vân Đồn: Triền đồi khu vực cầu 2 Vân Đồn đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông giữa Cẩm Phả với Vân Đồn. Chính quyền đã huy động các lực lượng khắc phục để đảm bảo giao thông. Đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn đã sạt lở bờ kè của hồ chứa nước dài khoảng 35m, sập đổ 2 nhà dân cấp 4; ngập úng khoảng 313 ha diện tích lúa non vừa cấy; thiệt hại 30ha cam; lồng bè nuôi trồng thủy sản sản bị chết 880 lồng, ước thiệt hại 88 tỷ đồng; 300 ha nuôi nhuyễn thể bị chết ước thiệt hại 30 tỷ; sạt lở 02 đường (200m) chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen, cuốn trôi 500 m kè đường thôn Nà Na (xã Bản Sen); Trạm Kiểm lâm đảo Ba Mùn bị đổ mái kè bê tông 50m, sạt sân Trạm với tổng khối lượng 1.000m3; 1 nhà dân tại thôn Đông Hà bị sạt lở trôi nhà (khoản 14m2) kéo theo 182m tường rào và 15m kè bị đổ; tổng thiệt hại ước khoảng 120 tỷ đồng.
Tại Bản Sen, nơi bị ngập sâu, các cơ quan chức năng đã di dời 27 hộ dân trên về nơi tránh, trú an toàn. Trong sáng 29/7, khi đến thăm động viên và trao nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các hộ dân bị ngập lụt tại thôn Bản Sen, xã Bản Sen, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu trước mắt huyện Vân Đồn tiếp tục động viên, hỗ trợ không để 27 hộ dân thiếu đói. Về lâu dài, ông Đọc yêu cầu huyện lập quy hoạch, di chuyển 27 hộ dân này ra sinh sống ở khu vực khác, tránh nguy cơ bị ngập lụt như hiện nay.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, cơ quan chức năng khuyến cáo du khách chủ động theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết cũng như không tự ý di chuyển vào đất liền bằng bất cứ phương tiện nào nếu chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
|
Người dân dọn dẹp lại nhà cửa khi đất đá tràn vào nhà. |
Tại huyện Cô Tô: Sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 300m và 2 tuyến kè bờ biển dài 25m (đã tạm khắc phục) gây ngập lụt 17ha lúa và hoa màu, 25 hộ dân bị ngập lụt, sập đổ 1 nhà cấp 4 (không có thiệt hại về người). Hiện vẫn còn 1.500 du khách du lịch ở lại đảo an toàn; đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ Quân đội, Biên phòng và thanh niên cứu giúp dân và khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn; 1 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa đi từ Bạch Long Vĩ về Vân Đồn, đến gần đảo Hạ Mai thì chìm, dạt vào bờ, đã cứu được 1 người và 6 người đang mất tích. Hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 6 ngư dân bị mất tích trên một tàu cá di chuyển từ Bạch Long Vĩ về Cô Tô).
Ghi nhận của PV tại đây, hiện còn khoảng 1.500 du khách hiện đang kẹt lại Cô Tô do tình hình thời tiết. Tuy nhiên việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và khách du lịch trên đảo vẫn đang được triển khai bình thường, không gặp khó khăn. Huyện đã vận động các nhà hàng khách sạn giảm giá với mức giảm thấp nhất là 30%. Thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa cấp phép cho bất cứ tàu khách nào rời cảng Cô Tô. Để đảm bảo an toàn tính mạng, cơ quan chức năng khuyến cáo du khách chủ động theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết cũng như không tự ý di chuyển vào đất liền bằng bất cứ phương tiện nào nếu chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Ngay khi điều kiện thời tiết cho phép, cơ quan chức năng sẽ cấp phép cho các tàu du lịch sẽ đưa du khách trở lại đất liền.
Những huyện khác như Hoành Bồ, Hải Hà, Bình Liệu nhiều diện tích lúa và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng và người dân Quảng Ninh vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Hải Ninh