Sau vụ bắn chết đồng chí Hoàng Văn Tiệp - cán bộ thanh tra Công an tỉnh Lạng Sơn, biết tên Đồng Văn Eng được cứu sống và khai tuồn tuột về đồng bọn, băng cướp hầu như tan rã, mạnh ai nấy chạy.
|
Lựu đạn hơi cay sử dụng trong chuyên án.
|
Riêng Chung “chón” và Hoàng Văn Long (SN 1973) tiếp tục thu nạp thêm đệ tử là Hoàng Văn An (SN 1973, cùng ở xóm Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) lập băng cướp mới.
Long có khẩu CKC cắt báng, An có lựu đạn, còn Chung cầm khẩu Colt, thủ theo lựu đạn làm phương tiện gây án.
Biết có thể bị tóm bất cứ khi nào, nên bọn Chung đã bớt hung hăng hơn trước. Tuy vẫn gây ra nhiều vụ, nhưng chúng chỉ loanh quanh cướp đủ tiền tiêu, khi nào hết mới lại ra tay. Bị lực lượng công an liên tục tuần tra dọc các tuyến đường, chúng kéo nhau lên rừng nương náu, hoạt động như phỉ. Gần đó có rừng hồi bạt ngàn, trải rộng khắp các xã Thụy Hùng, Phú Xá của huyện Cao Lộc.
Ngày ngày, chúng đi hái trộm hoa hồi đem cho vợ con bán, đêm lẻn về nhà ăn cơm, thỉnh thoảng mới vác súng ra khu vực gần đó “kiếm ăn”. Khi biết Công an bắt đầu đến “thăm nhà”, cả bọn ngủ luôn trong những chiếc lán được người dân dựng lên để trông coi rừng hồi của gia đình.
Qua điều tra, các trinh sát phát hiện dù đã có vợ con đề huề, đủ cả nếp lẫn tẻ, Hoàng Văn Chung vẫn sống như vợ chồng với Vi Thị Vị (ở thôn Còn Chủ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và có với nhau một đứa con trai. Vậy nhưng, vợ Chung không hề hay biết.
Khi lẩn trốn trên rừng, dù không dám về nhà, nhưng mỗi tháng Chung vẫn mò xuống thăm cô bồ một lần. Vi Thị Vị có 3 người em trai từng tham gia các băng cướp của Chung, trong đó một người lãnh án 7 năm, một bị tuyên phạt hơn 10 năm tù, sau này một trong hai người đã chết trong tù.
Sau khi được vận động, thuyết phục, người em trai thứ ba tên là Hạt chọn con đường lập công chuộc tội, hợp tác với công an để bắt giữ tướng cướp Hoàng Văn Chung. Thượng úy Triệu Văn Điện được Ban chuyên án giao nhiệm vụ phụ trách tổ truy bắt.
Đồng chí Điện đã tham mưu cho Ban chuyên án thực hiện chiến thuật vừa công khai, vừa bí mật bám sát các lán trên rừng, gia đình tên Chung và địa bàn xã Thụy Hùng, sang giáp huyện Cao Lộc là nơi tên Chung thường ẩn náu, tạo cho hắn suy nghĩ rằng những điểm trên đã bị lộ.
Nhưng riêng địa bàn Phú Xá có 3 xóm: Còn Chủ, Còn Chang, Pooc Lùng là nơi Chung thường qua lại, ẩn náu, trong đó có nhà bồ Chung, lại tiện đường cho trinh sát di chuyển, đi lại báo cáo giữa Ban chuyên án và tổ công tác - thì áp dụng biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo bí mật tuyệt đối nhằm giăng bẫy, có cơ hội sẽ bắt gọn Chung.
Lúc này, chỉ có đồng chí Điện, trinh sát Đoàn Minh Hà và Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự Hoàng Văn Nam (hiện là Phó phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Lạng Sơn) thường xuyên vào thị sát nhà Vị.
Nhưng mỗi tháng, Chung chỉ xuống nhà cô bồ một lần, thời gian không cố định. Vì vậy, tổ công tác dùng cách đưa tiền (vì nhà Vị rất nghèo) cho Hạt - em trai Vị đi mua rượu, thịt chó, cứ một tuần hay 10 ngày lại mời Chung xuống ăn. Những lần đầu, các trinh sát chỉ bí mật quan sát, theo dõi quy luật hoạt động của hắn.
Dịp này đang gần đến Tết nửa năm (vào ngày 6/6 âm lịch) của dân tộc Nùng, đồng bào có phong tục ăn uống rất to, có khi kéo dài nhiều ngày. Ban chuyên án quyết định “giăng bẫy”. Em trai Vị lại đi mua rất nhiều rượu, một con chó to về làm thịt với lời dặn: việc tổ chức ăn uống cứ kéo dài từ 3 giờ chiều đến 9 giờ đêm. Ăn uống xong, Chung lên giường ngủ thì Hạt lững thững đi bộ ra ngoài hóng mát.
Lúc 22 giờ 30 ngày 1/8/1993, thông tin đã được báo cho thượng úy Điện. Ngay lập tức, đồng chí Điện giao cho trinh sát nhảy xe về báo cáo với Phó ban chuyên án Nông Văn Định (hiện là thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn). Các lực lượng tác chiến của Cục Cảnh sát Hình sự và Phòng CSHS - Công an tỉnh Lạng Sơn được huy động tối đa, nhanh chóng có mặt tại Đồng Đăng.
1 giờ sáng 2/8/1993, Ban chuyên án đã huy động 10 đồng chí, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nông Văn Định, Trưởng phòng CSHS, hành quân bộ 5km tới nhà Chung đang ngủ ở xóm Còn Chủ.
Theo kế hoạch đã phân công, tổ 1 gồm đồng chí Điện, Đoàn Minh Hà, đồng chí Quân sẽ đi vào cửa chính; tổ 2 vào cửa bên cạnh gồm đồng chí Trần Như Nhận (hiện là Cục phó Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an), Nguyễn Mai Thanh và đồng chí Trực; tổ 3 án ngữ cửa phụ gồm đồng chí Triệu Văn Chung, Hoàng Văn Nam; một tổ nữa làm nhiệm vụ ém sẵn ở căn nhà bên cạnh. Các tổ công tác phải bám sát cả hai căn nhà từ 2 tới 4 giờ sáng và phải tuyệt đối bí mật.
Đúng như dự định, 4 giờ 30 thì mẹ Vị dậy để vệ sinh cá nhân. Mở cửa ra sân, nhưng bà cụ không hề phát hiện có 3 trinh sát đang áp sát tường. Làm thế nào để “điều” bà cụ ra ngoài? Suy tính một hồi, đồng chí Điện giơ thẻ công an nói nhỏ: “Tôi là Điện, Công an tỉnh Lạng Sơn!”. Bà cụ lập bập: “Tôi biết rồi, tôi biết rồi!”.
Được đồng chí Điện dặn dò, bà cụ vào bếp chất củi nấu nước rồi lay gọi hai đứa cháu dậy và tháo cổng chuồng cho mấy con trâu vào rừng, tránh bị đạn lạc. Tình hình được báo cáo với đồng chí Định, nhưng khi quay lại, đồng chí Điện lại không nghe thấy tiếng Chung ngáy nữa. Xác định trong nhà chỉ còn mình Chung, lực lượng tác chiến bắt đầu thông báo việc tên Chung đã bị bao vây, kêu gọi hắn hạ vũ khí đầu hàng.
Biết bị bao vây, tên Chung tay cầm khẩu súng ngắn, ngó ra cửa quan sát. Đồng chí Hoàng Văn Nam nổ một phát súng AK chỉ thiên, hô: “Giơ tay lên!”. Lập tức, hắn thụt vào trong nhà cố thủ. Suốt từ 5 tới 6 giờ sáng, lực lượng truy bắt đã liên tục kêu gọi đầu hàng, nhưng hắn vẫn yên lặng.
Trước tình hình này, tổ truy quét do đồng chí Điện chỉ huy quyết định dùng lựu đạn cay để khống chế, đồng thời kiên trì kêu gọi tên Chung hạ vũ khí đầu hàng. Ném tới hai quả đạn cay, nhưng thấy hắn không hề hấn gì. Quả thứ 3 được tung vào trong nhà, một giây sau, Chung giật cửa chính, nhưng cánh cửa đã bị tổ công tác buộc chặt bên ngoài bằng dây thép.
Lúc này, hắn mới kêu ầm ĩ: “Không chịu được rồi, ra đầu hàng đây!”. Đồng chí Định hô: “Cởi hết quần áo, kiễng chân, xòe tay, đi ra cửa phụ!”.
Sở dĩ phải yêu cầu Chung như thế để hắn không thể nắm lựu đạn hay giấu vũ khí trong người. Hắn cũng rất giỏi võ, nếu đi bình thường, Chung sẽ xuống tấn, dễ bề chống cự lại được lực lượng truy bắt. Nhưng vừa thò mặt ra khỏi đám khói, Chung đã chạy vụt ra cửa sau định tẩu thoát lên rừng.
Nhanh như cắt, thượng úy Điện và đồng chí Nam đã quật ngã hắn. Các trinh sát thu khẩu súng Colt, 60 viên đạn, 1 quả lựu đạn đã rút chốt mà tên Chung để ngay trước cửa khi hắn chạy ra khỏi nhà.
Tên đầu sỏ đã bị tóm gọn, nhiệm vụ còn lại là bắt nốt hai tay chân của Chung là Hoàng Văn Long và Hoàng Văn An. Long là kẻ có lệnh truy nã đặc biệt từ tháng 7/1992 vì tham gia nhiều băng cướp của Hoàng Văn Chung. Chính tên này đã cùng Lăng Văn Nhàn, Đồng Văn Eng gây ra vụ cướp ngày 19/4/1993 và trực tiếp bắn chết đồng chí Tiệp, Công an tỉnh Lạng Sơn.
Còn An không chỉ tham gia băng cướp của Chung, hắn còn cùng đồng bọn cướp tài sản công dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái. Bị Công an huyện Võ Nhai bắt giam, hắn trốn trại, về nhà và nhập hội với Long, tham gia băng cướp của Chung “chón”.
|
Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn từng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc, trong đó có chuyên án tiêu diệt tướng cướp Hoàng Văn Chung. |
Để bắt hai đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm này, Phòng CSHS đã cử một trinh sát là người địa phương “nghỉ phép giúp vợ thu hoạch hoa hồi”, để trực tiếp nắm tình hình. Hồi 14 giờ 30 ngày 9/8/1993, nhận được tin báo: tên An sau khi uống rượu về đã bị mẹ giấu tiền, vũ khí nên hắn đang mang đồ dùng trong nhà ra đập phá. Lập tức, đồng chí Điện quyết định triển khai phương án truy bắt.
Đến 8 giờ tối, tại điểm ém quân, thượng úy Điện lại nhận được tin báo: Long và An đem cả tiểu liên đến nhà ông Triệu Văn Quang (là công an bị sa thải) để tán tỉnh 2 cô gái “ở xuôi lên cấy thuê”. Hai tên này vốn lẩn trốn trong rừng lâu, nên thấy gái lạ lập tức lân la làm quen.
Nhanh chóng có mặt tại nhà ông Quang, tổ công tác triển khai phương án vây bắt. Lúc này, trước sân có 6 người đang ngồi nói chuyện vui vẻ, trong đó có Long, An và anh em ông Quang. Nhận được ám hiệu, hai cô thợ cấy giả vờ ra giếng tắm. Theo đội hình đã phân công, đồng chí Điện cùng tổ công tác xông vào quật ngã hai đối tượng. Kiểm tra trong người An có 1 quả lựu đạn, cạnh đó là khẩu CKC cưa báng cưa nòng, 13 viên đạn, trong đó 1 viên đã lên nòng.
Chuyên án kết thúc tốt đẹp, băng cướp Chung “chón” bị xóa sổ, tướng cướp Hoàng Văn Chung sau đó bị kết án tử hình, Hoàng Văn Long lãnh án 14 năm tù, Hoàng Văn An bị phạt 7 năm tù. Chồng bị tử hình, vợ Chung sang Trung Quốc lấy chồng, còn cô bồ Vi Thị Vị thì mới đây bị Công an tỉnh Hải Dương bắt về tội lưu hành tiền giả, hiện đang thụ án tù.
Với những thành tích xuất sắc của mình, kết thúc chuyên án, thượng úy Điện được phong quân hàm vượt cấp, được mời đi báo cáo điển hình tiên tiến tại nhiều hội nghị của Bộ Công an. Nhưng với anh, niềm vui nhất chính là mang lại sự bình yên cho quê hương xứ Lạng, bởi suốt thời gian dài bọn cướp hoành hành, người dân nơi đây luôn sống trong sợ hãi, lo âu.
Theo Công an TP. Hồ Chí Minh