Ngày 14/7, Tổng cục An ninh (TCAN), Bộ Công an, đã thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước.
|
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo TCAN, sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, TCAN đã lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin.
Quá trình điều tra đến nay, TCAN chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp Cục An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương đã khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.
Trong Chuyên án này, Giang Kim Đạt (37 tuổi, trú tại Q.2, TP.HCM), nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) có dấu hiệu sai phạm “cố ý làm trái mua tàu Hoa Sen” nên ngày 23-8-2010, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với Đạt.
|
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp.
|
Truy bắt qua nhiều nước, tìm từ những manh mối nhỏ nhất
Tuy nhiên, bị can bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và gửi thông báo đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ra lệnh truy nã quốc tế.
Quá trình truy bắt tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.
Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ôtô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm đối tượng làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.
Từ manh mối này, TCAN tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh này đã làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của công ty Vinashinlines.
Do đó, ngày 31/12/2014, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản”; khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Giang Văn Hiển về tội danh “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “che giấu tội phạm” và tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản trên toàn quốc để thu hồi.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã bổ sung lệnh truy nã đỏ về tội “Tham ô tài sản” đối với Giang Kim Đạt.
Quá trình đấu tranh TCAN đã phát hiện nơi nghi vấn Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Nhờ việc phối hợp chặt chẽ về tương trợ tư pháp của Interpol, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước nên cơ quan An ninh đã bắt được Giang Kim Đạt, di lý về Việt Nam để điều tra.
Quá trình truy bắt bị can này kéo dài 1.825 ngày đêm.
Chuyển tiền vào tài khoản người thân, mua biệt thự tại Singapore
Tại cơ quan điều tra, Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi phạm tội của mình trong việc gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác tàu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Cụ thể, trong thời gian làm việc ở công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Đạt là Quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chuyên tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Từ đó, bị can này đã cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng, cụ thể hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị.
Điển hình trong thương vụ mua 7 tàu từ nước ngoài, Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Thương vụ này Đạt hưởng bất chính 1 triệu USD.
Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng quyền hạn này, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
Để nhận số tiền này, Giang Kim Đạt đã bàn bạc với bố là ông Giang Văn Hiển lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank... Sau đó, số tiền chênh lệch được đối tác nước ngoài chuyển thẳng vào tài khoản của ông Hiển. Khi nhận được tiền, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân.
Trong tổng số 18,6 triệu USD chiếm hưởng bất chính, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5-6 xe ô tô đứng tên người thân.
Theo Tuổi Trẻ