Theo đó, đoạn đê bị vỡ dài 5m, cao 1m, đến thời điểm được khắc phục đã kéo theo khoảng 5.000m3 bùn đất đỏ chảy ra ngoài tràn vào hồ Cai Bảng. Sự cố vỡ đê này không gây thiệt hại về người và
tài sản.
Ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, vật liệu trong hồ là bùn đất đỏ do rửa quặng thải ra, phần bùn đã lắng chỉ còn nước trong hồ nổi lên mặt. Khi đê phụ bị vỡ chỉ có phần nước mặt hồ chảy ra ngoài với độ PH trung tính.
|
Hiện trường vỡ đê hồ thải quặng đuôi số 5. |
Cũng theo ông Ngự, nước trào ra ngoài từ hồ gặp sự cố này không mang theo hóa chất, không gây độc hại, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong lòng hồ và không gây thiệt hại đến vườn tược, hoa màu của nhân dân. Hiện Công ty TNHH một thành viên nhôm Lâm Đồng đã cho nhà máy tuyển quặng ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi phát hiện đê của hồ này bị vỡ, toàn bộ phương tiện, nhân lực đang tập kết, làm việc gần hiện trường đã được huy động tới để khắc phục. Các xe máy xúc, máy ủi được chỉ đạo lấy đất từ các quả đồi cạnh đó đẩy xuống chặn dòng nước bùn.
|
Sự cố được khắc phục. |
Theo ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đê ở hồ thải quặng đuôi số 5, nhà máy bô xít nhôm Lâm Đồng là do trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Bảo Lâm liên tục có mưa.
Đáng chú ý, theo số liệu về lượng mưa do ông Lương Văn Ngự công bố, vào thời điểm lớn nhất tại vực nhà máy bô xít nhôm Lâm Đồng chỉ có 40mm. Tuy nhiên, lượng mưa không phải là lớn này cũng đã gây ra sự cố vỡ đê khiến nhiều người không khỏi không ngạc nhiên.
Khắc Lịch