Chị Lê Thị Gẫm- Thẩm phán, phó chánh án TAND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết đã từng chị gặp phải một vụ án tuy hết sức đơn giản nhưng lại khiến chị phải vã mồ hôi hột mới có thể giải quyết xong.
Đó là vụ ly hôn của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bắc và chị Trần Thị Nga cùng trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Hai vợ chồng ông Bắc đã kết hôn được mấy chục năm, con cháu đã đều trưởng thành. Suốt mấy chục năm chung sống hai vợ chồng rất đồng lòng trong mọi công việc.
Cuộc sống đang rất yên ổn thì tự nhiên không hiểu vì sao sau đó họ lại thấy thích sống một mình, không muốn liên quan gì đến người kia nữa. Mọi người khuyên can không thành.
Khi những người con của hai vợ chồng này biết chuyện bố mẹ muốn ly hôn nhau để sống riêng, họ đã kịch liệt phản đối. Mọi người đưa ra sáng kiến nếu hai ông bà muốn sống riêng thì mỗi người sẽ về sống với một người con khác nhau. Tuy nhiên cả hai vợ chồng này cũng không muốn sống cùng với con mà chỉ thích sống một mình.
|
Thẩm phán Lê Thị Gẫm chia sẻ với PV |
Đơn ly hôn của họ sau đó được gửi đến TAND huyện Châu Thành và người thụ lý giải quyết vụ việc này là Thẩm phán, Phó Chánh án Lê Thị Gẫm.
Thẩm phán Gẫm cho biết, tại tòa hai người đều tỏ ra rất mong muốn ly hôn và họ đã thỏa thuận trước từ ở nhà việc phân chia tài sản.
Về căn nhà hai vợ chồng đang sống và số tài sản trong nhà, ông Bắc và bà Nga thống nhất để lại căn nhà và đa số các vật dụng trong căn nhà này cho bà Nga sử dụng. Hai vợ chồng có mấy chục triệu tích góp được sẽ giao cho ông Bắc sử dụng trong việc xây dựng một căn nhà mới trên phần đất ông này được chia.
Giằng co nhau chiếc bàn kính
Thẩm phán Lê Thị Gẫm chia sẻ: “Hầu như tất cả những thứ cần phải phân chia trong vụ ly hôn này hai vợ chồng đều đã tự phân chia được, không cần thẩm phán phải can thiệp gì. Vậy nhưng tôi không ngờ rằng những thứ nhỏ nhặt trong căn nhà của hai vợ chồng này mới là thứ rắc rối khó phân chia khi hai vợ chồng quyết giằng co với nhau”.
Thứ mà hai vợ chồng ông Bắc, bà Nga tranh nhau giành quyền sở hữu chỉ là một chiếc bàn kính đã được gia đình sử dụng từ lâu, nếu đưa ra định giá thì chiếc bàn này cũng chẳng đáng giá bao nhiêu tiền.
Thẩm phán Gẫm chia sẻ: “Khi tôi hỏi hai vợ chồng rằng chiếc bàn đó có gì đặc biệt mà hai vợ chồng đều muốn dành quyền sở hữu. Người vợ trả lời rằng “tôi không biết chiếc bàn có gì đặc biệt hay không nhưng nó đã gắn bó với cuộc sống của tôi khá lâu rồi. Mỗi khi nhìn thấy nó tôi lại thấy vui vẻ và thích dọn dẹp nhà cửa hơn”.
Còn người chồng thì nói rằng: “Tôi cũng không hiểu sao tôi rất thích ngồi uống nước cạnh chiếc bàn kính này. Mỗi khi đi làm về dù mệt mỏi đến đâu nhưng sau khi ngồi vào bàn uống nước tôi lại thấy cơ thể khoan khoái, đỡ mệt mỏi hơn”.
Những lý do họ đưa ra đều chẳng có cơ sở gì nên sau khi nghe họ giải thích xong thẩm phán cũng không hiểu lý do thực sự hai người này muốn giành cái bàn để làm gì.
Cuộc giằng co về cái bàn kéo dài tới mấy tiếng đồng hồ, thẩm phán đã phải vã mồ hôi hột mà vẫn không ai chịu nhường ai, thẩm phán cũng đã đưa ra nhiều phương án hợp tình hợp lý để giải quyết nhưng hai vợ chồng đều không đồng tình.
“Về sau tôi nói vui rằng, hay là tôi cho thợ cắt đôi cái bàn này ra chia cho mỗi người một nữa nhé. Biết rằng cái bàn kính nếu cắt đôi ra thì sẽ chẳng còn là cái bàn nữa và không thể sử dụng được nhưng tôi không ngờ hai vợ chồng này lại đồng ý với phương án này”. - thẩm phán Gẫm chia sẻ.
Mặc dù hai vợ chồng đồng ý với phương án này nhưng thẩm phán Gẫm không nỡ phân chia tài sản theo cách "hủy hoại tài sản" như vậy.
Sau đó thẩm phán Gẫm đưa ra phương án, nếu ai là người sở hữu chiếc bàn thì sẽ mua cho người kia chiếc bàn kính tương tự. Vậy nhưng cả hai đều sẵn sàng bỏ tiền ra mua cho người còn lại chiếc bán khác để lấy chiếc bàn cũ.
"Tôi thuyết phục mãi, cuối cùng bà Nga cũng chịu nhường ông Bắc chiếc bàn kính này. Tuy nhiên điều kiện của bà này đưa ra không chỉ là bắt ông Bắc phải mua cho mình một chiếc bàn kính tương tự chiếc bàn cũ mà bà còn bắt chồng phải đưa thêm cho mình một chỉ vàng nữa. Điều kiện này của bà Nga cũng được ông Bắc chấp nhận”. - thẩm phán Gẫm cho biết.