Thậm chí có nguồn dư luận còn võ đoán rằng, do ông tái hôn với người phụ nữ khác nên đối xử phi nhân tính với người vợ đã khuất? Sự thật hoàn toàn trái ngược với những nguồn dư luận trên.
Thô bạo với người đã khuất?
Vụ việc xảy ra từ tờ mờ sáng ngày 2/10/2015. Khi đó một người em dâu của vợ ông Đặng Văn Khỏe phát hiện phần mộ của bà Trần Thị Thơm (vợ quá cố của ông Khỏe) bị đập bể, hài cốt không còn. Người này đến nhà ông Khỏe truy vấn. Ông thú nhận ngay là vừa phá dỡ mộ vợ để lấy cốt thả xuống dòng kênh Phú Lạc. Ông giải thích nguyên nhân dẫn đến hành động đó là do... hồn ma bà Thơm cứ hiện về quấy rầy. Ông làm vậy để bà Thơm không "về" nữa?
Không chờ ông giải thích thêm, người em dâu vừa òa khóc thê thảm, vừa mắng nhiếc, đe dọa đoạt mạng ông và con gái ông Khỏe. Ông Khỏe chỉ im lặng buồn bã, không phản ứng gì thêm. Ngay sáng hôm đó, người em dâu đi trình báo Công an xã.
Tiếp nhận trình báo, Công an xã Phú Long cho mời ông Khỏe đến trụ sở lập biên bản vụ việc rồi chuyển vụ việc lên Công an huyện Phú Tân.
Trưa cùng ngày, tin về một người đàn ông "đập phá mộ, ném hài cốt vợ xuống sông" lan truyền khắp hệ thống truyền thông và mạng xã hội.
|
Ngôi nhà “ma ám” của ông Đặng Văn Khỏe. |
Nhận thấy có dấu hiệu của hành vi "xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" quy định tại điều 246, Bộ luật Hình sự, Công an huyện Phú Tân lập hồ sơ truy xét ông Khỏe. Khi được hỏi vì sao có hành động như trên, ông Khỏe vô tư kể, trước khi quyết định làm việc đó vài ngày, đêm nào ông cũng thấy hình bóng vợ xuất hiện trong nhà dẫn đến hoảng loạn?
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, đêm ngày 1/10, ông quyết định lấy hài cốt vợ cho vào bao rồi thả trôi sông. Ông cho rằng làm như vậy, vợ sẽ không xuất hiện nữa chứ không biết đó là hành vi phạm tội? Muốn lấy hài cốt vợ, ông phải đập mộ chứ ông không hề có ý nghĩ "xâm phạm" hay đập phá gì với người đã khuất?
Khi được Cơ quan Công an phân tích về hành vi vi phạm, ông Khỏe mới biết mình đã phạm tội. Với mong muốn khắc phục một phần hậu quả do mình gây ra, hơn 10 ngày liên tục, ông đã lặn mò tìm hài cốt vợ không kể giờ giấc. Và ông đã tuyệt vọng.
Có nguồn dư luận đặt nghi vấn ông Khỏe có vấn đề về tâm thần. Tuy nhiên, những người hàng xóm của ông Khỏe đều khẳng định, ông không có bất cứ biểu hiện lạ nào có vẻ như bệnh tâm thần. Một số người còn quả quyết rằng, chính họ đã từng bắt gặp hồn ma của bà Thơm? Họ cho rằng, bà Thơm không siêu thoát được vì khi còn sống bà là một pháp sư huyền môn?
Bí ẩn sợi dây bùa Cà Thá
Chúng tôi trở lại vùng kênh Thần Nông - tên gọi quen thuộc của cư dân địa phương khi nhắc đến ấp Phú Đông - vào sáng sớm ngày 21-10, đúng vào lúc ông Đặng Văn Khỏe được cơ quan chức năng đưa đi Cần Thơ giám định tâm thần.
Đó là một căn nhà cấp 4, bề rộng 4 mét. Bên trong gian trước ngôi nhà có đặt song song 2 ngôi thờ. Ngôi thờ bên trái có bức trần điều viết dòng chữ nho "Bửu Sơn Kỳ Hương". Ngôi thờ bên phải là kiểu bàn "Thiên" của đạo Cao Đài. Điều đó có nghĩa là trong gia đình này có 2 tôn giáo cùng tồn tại. Đó là điều hiếm thấy ở vùng được cho là trung tâm của Phật giáo Hòa Hảo.
|
Ông Đặng Văn Khỏe mò tìm hài cốt vợ. |
Một bà lão gần 80 tuổi cương quyết không nêu tên vì sợ… "thù ghét cá nhân", cho biết: "Con" Thơm hồi còn sống là thầy pháp trị bệnh bằng huyền môn. Nó cao tay ấn lắm! Con nít bị ma nhát, khóc ngặt, nó khoán cho lá bùa là hết ngay. Trong người nó luôn luôn có 2 đạo bùa của sư phụ nó cho. Một đạo bùa bằng giấy vàng, nó bỏ trong túi áo. Một đạo bùa kết bằng dây chỉ bó chì, nó luôn cột quanh bụng. Tôi không biết nó theo pháp môn nào nhưng nó thờ ông Lục, ông Tà. Thỉnh thoảng nó ngồi đồng để nhập xác ông Hoàng Mười về?".
Dựa theo lời kể của bà lão, chúng tôi đi tìm hiểu sâu về vấn đề này thì được biết, hầu hết những cư dân sống quanh vùng đều khẳng định, bà Thơm là pháp sư nổi tiếng? Bà thường nhập xác một vị thần linh nào đó để trị bệnh "tà ma, quỉ ám", trục vong, giải yểm, trừ ngãi hoặc tiên tri vận mệnh, tìm đồ vật thất lạc cho mọi người?
Ông Ngô Văn Thuận - Phó ấp Phú Tây cũng xác nhận chuyện mọi người đồn đoán là có, nhưng thật giả thế nào thì chỉ có… trời biết! Thậm chí chính quyền địa phương cũng từng phạt hành chính bà Thơm về việc truyền bá mê tín dị đoan.
Không như một số nguồn tin cho rằng, bà Thơm là người "giàu có trong làng". Nguồn thu nhập chính của bà là "tiền cúng tổ" của khách đến trị bệnh, vì vậy không dư giả nhiều.
Trước khi kết duyên với ông Khỏe, bà Thơm đã có một đời chồng và có với người chồng này một người con trai tên Tài. Ông Khỏe cũng đã có vợ và một người con gái riêng. Khi ấy, ông Khỏe sinh sống bằng nghề chăn trâu, cày thuê và làm thuê "bao đồng", có nghĩa là việc gì cũng làm. Ông Khỏe là người hiền lành, siêng năng, chịu được cực nhọc.
Sau khi gãy đổ hôn nhân, cả hai gá nghĩa với nhau và sống rất hạnh phúc. Khi chính quyền địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cụm dân cư tránh lũ vào năm 2002, ông bà nhận được tiền đền bù di dời và đã dùng số tiền đó cất căn nhà cấp 4 trên.
Năm 2000, họ có với nhau cô con gái đặt chung tên là Như. Do đứa bé thường đau ốm nên bà Thơm làm phép giao con cho một vị thần linh nuôi nấng.
|
Ngôi mộ của bà Thơm đã bị ông Khỏe đục một góc để lấy hài cốt. |
Theo tín ngưỡng địa phương, những bé sơ sinh thường bệnh hoạn là do những oan hồn quấy phá. Để những đứa bé này khỏe mạnh, người ta phải làm lễ giao cho một vị thần linh nhận làm con nuôi? Khi làm lễ giao con như vậy, người ta phải đặt lại tên cho đứa bé. Vì vậy, Như có thêm cái tên là Cam.
Ông Khỏe và bà Thơm sống với nhau rất hòa thuận. Ông Khỏe thương yêu vợ con hết mức. Không ai thấy ông to tiếng với bà bao giờ. Ông chăm chỉ làm thuê trong khi bà chỉ quanh quẩn ở nhà cúng bái, trị bệnh. Nhờ chịu thương, chịu khó, dành dụm, ông mua dần được 13 công đất canh tác. Từ đó cuộc sống của hai ông bà đỡ eo hẹp hơn trước kia.
Sau khi sinh nở, bà Thơm có biểu hiện suy kiệt sức khỏe. Tuy nhiên, bà không đi bệnh viện mà tự dùng pháp thuật trị cho mình? Lúc đó bà không nghĩ mình bị bệnh mà cho rằng, trong quá trình giải yểm, trừ ngải cho khách hàng, bà bị các oan hồn quấy phá? Khi bệnh trở nặng, ông Khỏe phải bán bớt 3 công ruộng để chữa chạy cho vợ nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Có lần ông Khỏe mời pháp sư Chín ở núi Cấm về nhà cúng "trục vong" cho bà. Một tuần lễ sau, ông pháp sư Chín chịu không nổi những vong hồn này, phải quay trở lại xin cúng 2 con vịt để tạ lỗi?
Năm 2002, bà Thơm đột quỵ và qua đời. Nhiều nhân chứng là xóm giềng lân cận của ông Khỏe xác nhận, khi vợ chết, ông đã xây cho bà một ngôi mộ khang trang ở ấp Long Hậu (xã Phú Long). Hàng năm ông đều cúng giỗ bà rất chu đáo.
Năm 2012, chính quyền địa phương giải tỏa, di dời khu nghĩa địa ở ấp Long Hậu. Ông Khỏe cải táng bà Thơm đưa hài cốt về ấp Phú Tây xây mộ mới.
Nhờ có tiền đền bù, ông Khỏe xây ngôi mộ cho bà Thơm rất đẹp so với ngôi mộ cũ. Ông đặt hài cốt bà vào chiếc quách bằng kính dày trong suốt.
Xóm giềng của ông đều xác nhận, kể từ ngày bà qua đời, hàng tuần ông đều đến mộ vợ thắp nhang và quét dọn. Sau này, dù có tái hôn với người phụ nữ khác, dù "bị hồn ma bà Thơm quấy nhiễu"(?) ông vẫn đều đặn đến quét dọn, đốt nhang cho bà.
Chuyện kinh dị trong “ngôi nhà ma ám”?
Năm 2004, ông Khỏe có tình cảm với một người phụ nữ ở xã bên. Kể từ đó trong nhà ông có nhiều biểu hiện lạ(!) Ông X, sinh sống gần nhà ông Khỏe khẳng định: "Có lần, một người cháu gái, gọi ông Khỏe bằng chú, đi về ngang nhà ông thì thấy bà Thơm đứng xõa tóc ven đường? Thấy lạ, cô này chạy đến gần xem thì bà ấy biến mất? Hoảng sợ, cổ chạy trối chết về nhà kể cho mọi người nghe. Lúc đó tôi không tin. Mấy đêm sau chính tôi trông thấy bà Thơm đứng ngay trước cửa nhà ông Khỏe? Tôi điếng hồn chạy ù về nhà, sốt mấy ngày!".
Ông X kể thêm một câu chuyện sặc mùi… mê ảo? Ấy là khi ông Khỏe đón người vợ mới về nhà ở chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện kinh hoàng. Hôm đó, bà vợ sau của ông Khỏe đang ngồi ở nhà trên, Đặng Thị Cam (24 tuổi, con gái riêng của ông Khỏe và bà Thơm) xin đi sang nhà hàng xóm chơi. Bà đồng ý.
Lát sau, bà chột bụng nên bước ra nhà sau thì thấy cửa phòng vệ sinh đóng, bên trong vẳng ra tiếng xối nước. Bà nghĩ trong bụng, Cam đang tắm ở trong nên ngồi chờ. Bỗng cửa phòng vệ sinh bật mở. Bà nhìn thấy một người phụ nữ xõa tóc dang rộng 2 cánh tay? Kinh hoảng, bà thét cầu cứu rồi ngất xỉu! Nghe tiếng thét, ông Khỏe từ nhà trên chạy xuống đưa bà đi cấp cứu.
Chị Đặng Thị Cam xác nhận có chứng kiến sự việc hãi hùng này: "Khi cha đón mẹ kế về nhà được vài tháng thì xảy ra chuyện ghê rợn đó. Em chứng kiến lúc mẹ xỉu, cha tới ẵm ra ngoài!". Ông Khỏe cũng khẳng định với các phóng viên chuyện vợ kế bị "linh hồn" bà Thơm hù dọa khiến ngất xỉu là… hoàn toàn có thật?
Sau vụ đó, thấy bảo người vợ kế không dám ở nhà ông nữa. Thỉnh thoảng bà ấy ghé thăm ông rồi đi ngay, không dám ở lại?
Lại có lần, em trai kế ông Khỏe sinh sống ở TP HCM về thăm anh. Tối đến, do thời tiết nóng bức người này muốn ngủ trước hàng hiên đón gió trời cho mát mẻ. Đến nửa đêm, ông bị bà Thơm lay dậy đuổi đi? Thất kinh hồn vía, ông đập cửa gọi ông Khỏe vang động cả xóm!
Một người hàng xóm ở sát vách nhà ông Khỏe, kể: "Mấy ngày trước, ra quán uống cà phê, ổng than phiền là hồn bà Thơm về quấy rầy liên tục hàng chục đêm liền? Ổng bảo, thương bả lắm nhưng có lẽ phải lấy hài cốt bả thủy táng, tức thả xuống sông để bả siêu thoát? Chứ tình trạng này kéo dài, ổng khổ sở lắm!
Sáng sớm ngày 30/9, ổng xách búa ra mồ của bà Thơm tính đập rồi nhưng đau lòng quá, ổng xách búa về. Tối đó, bà Thơm lại quậy? Sáng 1/10, ổng lại xách búa ra mộ đập vài nhát, rồi lại xót thương, xách búa về. Tối đến, ông lại bị bà quấy rầy? Sáng 2/10, ổng mới cương quyết đập mộ!".
Theo lời người hàng xóm này thì, mục đích của ông là lấy hài cốt của bà Thơm thủy táng, chứ ông không có ý "vất hài cốt" kiểu xâm phạm, căm hận hay thù ghét? Ông Khỏe tin rằng, để linh hồn bà Thơm siêu thoát cách tốt nhất là phải thủy táng hài cốt của bà!
Chuyện bà Thơm hiện hình hù dọa mọi người rất khó tin, có vẻ như hư cấu. Tuy vậy, không chỉ vài người mà rất nhiều người dân địa phương cho rằng đó là chuyện đã xảy ra, và họ là người biết đến. Tuy nhiên, họ có trực tiếp chứng kiến không thì chẳng thể xác định được!
Dù sao đi nữa, do nhận thức kém về luật pháp, hành vi của ông Khỏe đã vi phạm vào điều 246, Bộ luật Hình sự, tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, cho dù đó có là mồ mả, hài cốt của vợ ông đi nữa.
Theo CAND