|
Quán cà phê "Xin chào". |
Tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT sáng 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc khởi tố chủ quán cà phê “Xin chào” về hành vi “Kinh doanh trái phép”. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, vụ việc tuy chỉ xảy ra với một quán cà phê, song đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư tại TPHCM. Bên cạnh đó, điều này còn đi ngược lại với xu hướng hiện nay là tạo mọi điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân phát huy mọi nguồn lực sản xuất kinh doanh.
“Tôi lấy làm tiếc vì vụ việc lại xảy ra ngay tại địa bàn TPHCM, nơi đã và đang tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tôi cũng đánh giá cao phản ứng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời khi vụ việc xảy ra”, ông Lịch nói và đề nghị không nên hình sự hóa vụ việc này.
Là người đã từng đưa ra cảnh báo về thực trạng thu hút đầu tư kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến khẳng định, quyền kinh doanh là quyền của mọi người dân đã được Hiến pháp quy định. Nếu người dân không vi phạm pháp luật thì phải tạo mọi điều kiện cho người dân. Nếu trong quá trình tham gia kinh doanh, người dân chưa hiểu pháp luật, còn có lỗi hay sơ suất gì đó như chưa kịp đăng ký kinh doanh, chưa kịp nộp thuế thì chỉ nên nhắc nhở chứ không được phép ngăn chặn, gây khó khăn. “Người ta bán cà phê mà chỉ chậm nộp giấy phép kinh doanh đã thu hồi tất cả, làm đủ thứ, thậm chí còn khởi tố thì điều đó có phải vì dân không? Ứng xử với người dân theo kiểu ép dân là không được”, ĐB Tiến nêu.
ĐB Lê Như Tiến cũng cho rằng, vụ việc này đã đi ngược lại với chủ trương tạo mọi điều kiện để cho người dân được kinh doanh theo quy định của pháp luật. “Mình làm cái gì cũng phải vì người dân. Nghị quyết của Đại hội Đảng vừa qua cũng nói tin dân, nghe dân, thậm chí còn nâng lên mức cao nhất là trọng dân. Trong quá trình tham gia kinh doanh, nếu có gì sơ suất, là người công bộc của dân, phải hướng dẫn cho người dân chứ không phải coi mình đứng trên dân, gây khó dễ cho dân, rình rình xem dân sơ hở cái gì rồi xử lý”, ĐB Tiến bày tỏ.
Theo Tiền Phong