Ngày 25/9, trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng Mỹ sẽ bán máy bay săn ngầm cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói “chưa có thông tin này”, nhưng Việt Nam luôn ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ.
|
Ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với giới học giả Mỹ tại Hội châu Á. Ảnh: TTXVN Ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với giới học giả Mỹ tại Hội châu Á. Ảnh: TTXVN. |
Trước thông tin quan chức cấp cao Mỹ nói về khả năng Mỹ sẽ bán máy bay do thám săn ngầm cho Việt Nam sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường giám sát và phòng vệ khu vực bờ biển, ông Lê Hải Bình nói: “Thông tin này chúng tôi chưa có. Tuy nhiên, Việt Nam luôn luôn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, vì lợi ích của hai nước cũng như hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 1 đến 2/10. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ trao đổi biện pháp triển khai các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về phát triển quan hệ đối tác toàn diện, các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2015) cũng như thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhân dịp tham dự khóa họp 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ ngày 24 đến 30/9 tại New York (Mỹ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội có uy tín của Mỹ tại Hội châu Á (Asia Society) về tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi, hỏi đáp tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, ông hoan nghênh nếu Mỹ có một lệnh dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng, mọi quan hệ ngoại giao song phương của Việt Nam đều không nhằm đến nước thứ ba nào.
Trước việc báo chí nước ngoài gần đây thông tin Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở các bãi đá, rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, biến chúng thành đảo nhân tạo (trong đó có bãi đá Gạc Ma của Việt Nam) và trước việc Tổng thống Philippines vừa bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể đưa giàn khoan ra Trường Sa, ông Lê Hải Bình tuyên bố:
“Mọi hoạt động của các bên liên quan ở biển Đông cần tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông, không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình”.
Người phát ngôn nói: “Trong tình hình hiện nay, các bên liên quan đều phải có trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định ở biển Đông”.
Về câu hỏi ngư dân Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì khi quân đội Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở khu vực Hải Nam kéo dài đến gần Hoàng Sa, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, ngay sau khi có thông tin Cục Hải sự Trung Quốc ngày 24/9 thông báo quân đội nước này sẽ tập trận, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh thông tin và có biện pháp cần thiết bảo vệ ngư dân hoạt động bình thường ở ngư trường truyền thống trên biển Đông.
Chỉ còn 1 người Việt ở Syria
Trước tình hình Iraq và Syria ngày càng trở nên nguy hiểm vì hoạt động của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Lê Hải Bình cho biết, hiện không có người Việt Nam nào ở Iraq. Đại sứ quán Iran kiêm nhiệm Syria cho biết, còn 1 công dân Việt Nam đang làm việc ở Syria. Đại sứ quán đang phối hợp chính quyền địa phương và Tổ chức Di cư quốc tế tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm đưa người này về nước.
Về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ tấn công các mục tiêu của IS ở Syria, ông Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, bảo đảm an toàn cho thường dân”.
Về trường hợp lao động Việt Nam ở Đài Loan Trần Ngọc Công chết đuối vì cứu một cháu bé 7 tuổi, nhưng thi thể chưa được đưa về nước vì là lao động bất hợp pháp, ông Lê Hải Bình cho biết, cộng đồng sở tại đánh giá việc làm của anh Công là hành động cứu người, gây xúc động cho cộng đồng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan trong nước và tại Đài Loan xác minh thông tin và sớm đưa thi thể anh Công về nước càng sớm càng tốt.
Theo Trúc Quỳnh/Tiền Phong