Bạo lực học đường đang giết chết trẻ
Sự việc em Bùi Quang Huy, học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) bị 1 nhóm thanh niên đánh ở cổng trường, phải nằm viện 1 tuần sau đó thắt cổ tự tử đang khiến dư luận xôn xao.
Được biết, trước khi thắt cổ tự tử, Huy đã trải qua 1 cú sốc tinh thần lớn do bị bạo lực học đường. Theo lời kể của chị Nga – mẹ Huy: Ngày 19.9 sau khi tan học, Huy bị 1 nhóm thanh niên đón đường và đánh gần khu vực cổng trường. Không những bị đánh liên tiếp bằng gậy cao su, nhóm thanh niên này còn bắt em quỳ và chắp tay xin tha thứ trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường. Không những thế chúng còn quay clip và tung lên mạng. Nhóm thanh niên được xác định là người nhà và phụ huynh của một học sinh trong trường trước đó có mâu thuẫn với em Huy.
|
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng đáng báo động (ảnh cắt ra từ clip nữ sinh ở Nghệ An bị nhóm bạn dùng dép tát tới tấp vào mặt ngày 6.10).Ảnh: I.T |
Sau khi bị đánh, không chỉ bị chấn thương cơ thể, Huy còn có biểu hiện hoảng loạn tâm lý, luôn trong tình trạng hoang mang, lo sợ nên gia đình đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái để kiểm tra. Phía bệnh viện xác định cháu bị chấn thương nên yêu cầu gia đình cho cháu nằm viện để điều trị trong vòng 1 tuần. Sau khi rời bệnh viện về nhà, Huy vô tình phát hiện clip mình bị đánh lan truyền trên mạng nên bị sốc và rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Ngày 25/9, ngay sau khi mẹ đi làm, một mình ở nhà trông em, Huy đã treo cổ tự tử ở nhà bếp.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện bạo lực học đường bị đẩy lên cao trào và ảnh hưởng đến chính tính mạng của nạn nhân. Ngày 1/9, Phòng GDĐT TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đã có hình thức kỷ luật cảnh cáo với cô giáo Lê Văn Ý Ny (Trường THCS Trần Quốc Toản, TP.Nha Trang) vì hành vi nhiều lần đánh, sỉ nhục em Loan – một học sinh, trong lớp. Cụ thể, cô giáo này thừa nhận đã đánh em Loan 5 bạt tai trong giờ học thêm, liên tiếp đánh trong giờ lên lớp và học thêm khác. Không những thế còn chửi và cho các bạn trong lớp cùng sỉ nhục theo khiến em này bị sang chấn tâm lý nặng nề. Bà Nguyễn Khánh Tường Vy – phụ huynh em Loan cho biết, Loan nhiều lần đòi chuyển trường, sợ đi học và xấu hổ với các bạn. Thậm chí, còn đòi tự tử nếu phải đến trường.
Đầu tháng 4/2016, học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) hết sức bàng hoàng về cái chết của em Đỗ Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 8A của trường này do uống thuốc cỏ tự tử. Điều đáng nói là trước khi tìm đến cái chết em này thường xuyên bị một nhóm bạn trai trong trường chọc ghẹo, bắt nạt. Trước đó, nhiều lần em đòi bố mẹ cho chuyển trường vì không chịu được.
Đừng nương tay với bạo lực
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý. Theo thầy Lâm, tác hại của bạo lực học đường rất lớn, nó không chỉ làm cho trẻ em bị đánh, không chỉ tổn thương về thân thể, mà chủ yếu là về mặt tinh thần. “Những học sinh này dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Kẻ đánh người cũng chẳng lợi gì hơn, nhân cách dễ bị “biến thái”, lớn lên sẽ là người hay gây sự rồi lại quay vòng bắt nạt, bạo lực vợ con, bạn bè. Bạo lực học đường sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong xã hội, xã hội thiếu niềm tin vào giáo dục” – ông Lâm nói.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan, Văn phòng Luật sư Hà Lan và các cộng sự (Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 31, Bộ luật Dân sự, trường hợp em học sinh bị đánh, sỉ nhục rồi quay clip đưa lên mạng tùy mức độ, hình thức vi phạm mà người vi phạm có thể bị kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phát tán hình ảnh, clip là hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi. Việc tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.
Trong khi đó, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì cho rằng, đằng sau những trấn thương vì bạo lực có rất nhiều sai lầm của người lớn. “Ở vụ việc học sinh tự tử ở Yên Bái, hành động nhóm thanh niên, trong đó có phụ huynh một học sinh khác xúm vào đánh và bắt cháu bé kia phải quỳ gối xin lỗi trước nơi đông người rồi đăng lên mạng là vi phạm quyền bảo vệ trẻ em ở Việt Nam. Cách cư xử như vậy là không thể chấp nhận được” – TS Hồng phân tích. Ngoài ra, theo TS Hồng, cần giáo dục luật trẻ em nhiều hơn cho cả trẻ em và người lớn để không còn tình trạng mọi người đứng nhìn một đứa trẻ bị làm nhục mà không lên tiếng.
Ở khía cạnh khác, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số lại cho rằng, để triệt tận gốc bạo lực cần phải mạnh tay. Theo bác sĩ Thiên, hiện nay, xã hội đầy rẫy bạo lực nhưng nó lại không được nhìn nhận một cách rõ ràng bởi chính những người lớn chúng ta thì sao có thể đòi hỏi trẻ có cách nhìn chuẩn, cư xử đúng khi gặp những mâu thuẫn trong xã hội. Người lớn đánh nhau thì bao biện là “gạt tay trúng má”; vi phạm pháp luật thì tìm cách chứng minh tội phạm bị… tâm thần. Tất cả những điều đó trẻ con biết hết. Chúng hoàn toàn biết đánh giá và tỏ thái độ coi thường sự dối trá của chính người lớn. Từ thái độ này, chúng định vị tư duy của mình rằng: Người lớn còn dùng bạo lực để giải quyết tất cả tại sao trẻ con lại không được. Và bài học chúng rút ra là: Lần sau có đánh người thì phải khéo giấu, khéo che để được an toàn. “Khi nào người lớn đánh nhau vẫn còn nói là “gạt tay trúng má” thì trẻ em sẽ vẫn còn bạo lực học đường” – ông Thiên nói.
Trẻ em “học” bạo lực từ chính gia đình, cộng đồng
Chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh (ảnh) – Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng: Trẻ sống trong môi trường bạo lực sẽ thích hành xử bằng bạo lực.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh cho biết: Bạo lực học đường bùng phát nhiều nhất ở giai đoạn cuối THCS và đầu THPT - lứa tuổi mà học sinh đang ở giai đoạn dậy thì rất mạnh. Lượng hoóc-môn trong cơ thể tăng cao khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái quá hưng phấn, dễ bị kích động, khả năng tiết chế cảm xúc kém. Vì thế, đôi khi chỉ một xích mích nhỏ hoặc bị bạn xấu "khích" là "máu anh hùng" nổi lên.
Bạo lực học đường tác động đến tinh thần và thể chất của học sinh như thế nào?
- Tùy mức độ nặng nhẹ của từng vụ việc mà có sự ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của học sinh khác nhau. Về mặt tâm lý: Thường trẻ bị bạo lực dễ co cụm, lo sợ, tự ti, thậm chí bị ám ảnh suốt cuộc đời. Trẻ gây ra bạo lực sau khi bị người lớn can thiệp cũng để lại những "vết thương" tâm lý lâu dài. Nói chung, dù là bị đánh hay đánh bạn, cả 2 phía đều bị tổn thương. Về mặt thể chất: Đương nhiên nếu bị đánh hội đồng, đánh nhiều lần, đánh tàn bạo... thì thể chất chắc chắn bị ảnh hưởng. Không chỉ gây tổn hại về kinh tế, nếu thể chất bị xâm hại nghiêm trọng còn dẫn đến những hệ quả mang tính thế hệ: Tàn phế, vô sinh, khuyết tật suốt đời.
Theo bà có giải pháp gì để triệt tận gốc bạo lực học đường?
- Để chấm dứt bạo lực học đường, cả hệ thống xã hội cần phải vào cuộc: Chính quyền địa phương và cộng đồng: Tạo ra các sân chơi bổ ích cho con trẻ; xây dựng cộng đồng văn minh, hòa ái; hạn chế những tiêu cực ảnh hưởng đến học sinh; xử lý nghiêm minh những vụ bạo lực trong và ngoài trường học.
Cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường: Xây dựng chính sách khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, các câu lạc bộ ngoại khóa lành mạnh, các sân chơi nhân ái cho học sinh. Gia đình:
Cha mẹ nên dành thời gian để quan tâm đến con, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ, buồn vui của con; "lớn lên" cùng con và đặc biệt, cần tích cực học kỹ năng làm cha mẹ để thực sự trở thành những người bạn lớn của con. Phá bỏ định kiến: Cha mẹ luôn đúng, con cái phải tuân thủ mệnh lệnh của cha mẹ. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" - trẻ sống nhân ái sẽ thành người nhân ái.
>>> Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):
Theo Dân Việt