Clip hiện trường cầu Ghềnh bị sập:
Chiều 25/3, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa 2 cẩu nổi khủng đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) để chuẩn bị cho việc trục vớt các hạng mục trong vụ sập cầu Ghềnh. Cẩu nổi của VEC thuộc loại lớn nhất Việt Nam với công 2 suất 150 tấn và 500 tấn.
|
Hai chiếc cẩu khủng được đưa tới hiện trường cầu Ghềnh bị sập. |
Cụ thể, chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn đã di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Sà lan thứ hai 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn cùng lên đường để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp việc sửa chữa cầu Ghềnh .
VEC đưa các phương tiện trục vớt cầu Ghềnh theo sự chỉ đạo từ Bộ GTVT. Việc vớt cầu có thể được triển khai vào ngày 27/3.
Trước đó, một công ty dự thầu việc trục vớt đưa ra mức kinh phí dự tính trên 12 tỷ đồng. Họ phải cắt nhỏ các hạng mục, kết cấu thép của cầu sau đó dùng cẩu đưa lên sà lan rồi di chuyển đến nơi tập kết. Việc đưa các nhịp bị chìm lên là thử thách lớn do nước qua lưu vực sông chảy xiết. Trụ cây cầu 112 tuổi được đánh giá khó khăn trong công tác đưa lên do trọng lượng lớn.
Như Báo Kiến Thức đã đưa tin, vào khoảng 12h30 ngày 20/3, chiếc sà lan chở cát do tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988, quê tỉnh Bạc Liêu) điều khiển chạy trên sông Đồng Nai. Khi qua cầu Ghềnh (cầu đường sắt Bắc Nam chung với đường bộ) nối 2 phường Bửu Hoà và Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai thì tông thẳng vào trụ cầu. Vụ va chạm khủng khiếp gây tiếng nổ lớn, toàn bộ trụ và hai nhịp cầu bị sập xuống lòng sông.
Sau sự cố cầu Ghềnh, giao thông đường thủy qua khu vực cầu bị phong tỏa tuyệt đối; Nhà ga Biên Hòa, Đồng Nai đông nghịt người. Hàng trăm hành khách về ga Sài Gòn bị kẹt lại, chờ được sắp xếp lên ôtô để về TP Hồ Chí Minh. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, mố cầu Ghềnh đã sập, việc sửa chữa phải mất rất nhiều thời gian.
Thiên Dũng