Trạm thu phí mọc lên như “nấm sau mưa”
Bắt đầu từ ngày 6/10, các phương tiện đi trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ phải đóng các mức phí từ 10.000 đồng tới 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo loại phương tiện. Bên cạnh đó, các phương tiện có thể sử dụng vé tháng với mức 300.000 - 5.400.000 đồng; vé quý với mức 810.000-14.580.000 đồng tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện. Mặc dù đã được thông báo trước nhưng nhiều chủ xe, đặc biệt là chủ xe cá nhân vẫn không khỏi… bỡ ngỡ khi đi qua đoạn đường này phải trả tiền. Điều đáng nói tiếp nối ngay đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn có một tuyến cao tốc nữa, đó là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với một trạm thu phí khác, và mức phí cũng khác.
|
Trạm thu phí BOT mọc lên như nấm tại cửa ngõ Hà Nội |
Trước đó, từ ngày 1/10 việc thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được thực hiện với mức thu phí thấp nhất 110.000 đồng/lượt và cao nhất là 600.000 đồng/lượt. Chưa kể tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai mới đưa vào sử dụng năm 2014 có tới… 12 trạm thu phí toàn tuyến.
Trong khi người dân còn đang ngỡ ngàng về những trạm thu phí mới thì mới đây. Ông Hoàng Mạnh Hùng - Trạm trưởng trạm thu phí quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (Cty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc -Hòa Bình) cho biết, đến thời điểm này, dự án có tổng chiều dài 30,36km (từ Km38+00 đến Km70+932,4) đã đủ điều kiện và sẵn sàng tổ chức thu phí.
Được biết, Cty đã tổ chức thu phí thử tại 4 làn xe qua trạm từ ngày 28/9 - 4/10 và phát tờ rơi thông báo mức vé đường bộ đối với xe qua trạm nhằm tuyên truyền đến người dân.
Theo ông Lưu Việt Khoa - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 - đơn vị quản lý và điều hành dự án cho biết: “Dự kiến, trong tháng 10 này tuyến đường sẽ tiến hành thu phí”.
Chưa hết, gần như chắc chắn Đại lộ Thăng Long cũng sẽ có một trạm thu phí chuẩn bị mọc lên, xa hơn các tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn, Hà Nội đi Sơn Tây cũng sẽ “mọc lên” các trạm thu phí.
Miếng bánh BOT
Một trong những bức xúc của người tham gia giao thông không chỉ là quá nhiều trạm thu phí “bủa vây” Hà Nội mà còn là mức phí khá cao.
Tại hội thảo về nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông do BIDV và Viện Kinh tế VN tổ chức đại diện Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn dành cho đầu tư hạ tầng giao thông hàng triệu tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 37%, vốn ODA là 28,5% còn lại khoảng 350.000 tỉ đồng huy động vốn ngoài ngân sách, thông qua BOT. Nhưng nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng BOT giao thông không phải mà miếng bánh dễ xơi vì giới hạn thu hồi vốn trong vòng 20 năm, nhưng trong 10 năm đầu hầu hết phí thu được không đủ trả lãi ngân hàng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa do BOT giao thông không có khủng hoảng chu kỳ như bất động sản, do vậy rất dễ thu hồi vốn. Được biết, Bộ GTVT đã kiểm tra và kiên quyết loại bỏ các nhà đầu tư “tay không bắt giặc” dựa vào nguồn vốn ngân hàng dẫn đến dự án bị kéo dài và đội vốn.
Trước việc ồ ạt xây dựng các trạm thu phí ngày 29/7 vừa qua Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương phải rà soát lại quy trình thực hiện các dự án BOT và các trạm thu phí phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 70km, nếu không đảm bảo sẽ phải dừng, qua rà soát Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ bỏ 2 trạm thu phí Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và Nam Hải Vân (Đà Nẵng) để chuyển về vị trí mới đúng khoảng cách quy định. Cùng đó, ngày 31.7, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản tăng cường quản lý các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ, kể cả các dự án đã hoàn công.
Có thể nói các doanh nghiệp sử dụng dự án BOT sẽ cố gắng “tận thu”. Điều này thể hiện ở việc mức phí cho từng loại phương tiện là khá cao.
Các chuyên gia kinh tế phân tích rằng: Cùng với sự biến động của giá xăng thì việc có quá nhiều trạm thu phí sẽ dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng sẽ “cõng” thêm phí đẩy giá các mặt hàng này lên cao và đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải gánh.
Theo Lao Động