Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo bảo hộ chữa cháy, 300 triệu/bộ

Google News

"Ở Nhật quy định một xe chữa cháy chỉ hoạt động tối đa 10 năm, vừa rồi mình xin lại họ, máy móc hoạt động vẫn rất tốt", ông Nghi trần tình.

Liên quan vụ cháy Trạm xăng dầu ở số 2B Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, có ý kiến cho rằng lực lượng chữa cháy dù đã làm hết sức mình, nhưng thời gian khống chế lửa quá lâu và có phần lúng túng trong chữa cháy...

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, trong vụ cháy này đã huy động toàn bộ trang thiết bị chuyên dụng hiện có để dập tắt vụ hỏa hoạn. Rất nhiều lực lượng được huy động, đã lăn xả vào đám cháy mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào. Trong gần 6 giờ chữa cháy, lực lượng cứu hỏa đã phun liên tục 600 m3 nước, cùng 32 xe cát được huy động để làm bao đê. Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội huy động hơn 2 tấn bột chữa cháy.

 Một chiến sĩ tham gia chữa cháy không có đồ bảo hộ và bị bén lửa. Ảnh: Minh Sang

Lý giải cho việc, thay vì phun nước vào chiếc xe téc, lực lượng cứu hỏa sao không sử dụng bột chữa cháy để phun trực tiếp ngay từ khi mới tiếp cận, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, cho biết thời điểm tiếp cận, nhiệt độ đám cháy lên tới gần 1.000 độ C, nếu phun ngay bột chữa cháy vào, lập tức số bột này sẽ bị phân hủy. Như vậy vừa lãng phí lại không phát huy tác dụng. Do vậy phương án hữu hiệu nhất là phải tập trung nhiều vòi rồng phun xối xả nước làm mát vào chiếc xe téc. Khi nhiệt độ hạ, lực lượng cứu hỏa sẽ dùng bột, bọt để chữa cháy.

Về việc rất nhiều lực lượng tham gia cứu hỏa chiều 3/6 không được trang bị bảo hộ như áo cách nhiệt, mũ rộng vành, giày bảo hộ, mặt nạ chống khói độc…, đại tá Sơn nói: “Trong một thời gian ngắn, phải huy động hàng nghìn người, trong khi các thiết bị chuyên dụng chỉ đủ trang bị cho cán bộ, chiến sĩ của ngành PCCC. Các lực lượng được huy động đã lăn xả, đi chân trần lao vào chữa cháy cùng lực lượng chuyên nghiệp. Điều này rất đáng biểu dương”.

Thiếu trang thiết bị PCCC

Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều qua, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết đến thời điểm này đã xác định được khá rõ về nguyên nhân vụ cháy. Theo đó, trong quá trình bơm xăng từ xe téc vào bồn, do bất cẩn của nhân viên cửa hàng xăng đã khiến xăng rò rỉ chảy ra bên ngoài rồi bén vào một bếp than tổ ong của quán cơm ở gần cây xăng.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành PCCC Hà Nội cũng cho rằng đây chỉ mới là nguyên nhân ban đầu, để có kết luận chính xác phải chờ cơ quan điều tra. Hiện, hồ sơ vụ cháy đã được giao cho cơ quan điều tra quân đội theo thẩm quyền.

Không trả lời thẳng về việc mất nhiều giờ mới khống chế được ngọn lửa là do nghiệp vụ có vấn đề hay thiếu trang thiết bị, thiếu tướng Nghi lý giải việc chữa cháy ở cây xăng nơi có xe chứa 22.000 lít xăng đang bốc cháy thì mọi chuyện không hề đơn giản mà phải có chiến thuật. “Chúng tôi chữa cháy làm sao không để nổ bình và đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh”, ông Nghi nói. Theo ông Nghi, trong vụ cháy trạm xăng, tất cả các phương tiện, thiết bị hiện đại nhất của thành phố, thậm chí huy động của lực lượng quân đội đã được áp dụng. Ông Nghi cho hay sẽ tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm để xác định việc mất nhiều thời gian dập lửa thuộc yếu tố chủ quan hay khách quan.

 
Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo bảo hộ cho lính chữa cháy

Thiếu tướng Nghi cũng cho biết trang thiết bị của lực lượng PCCC thủ đô hiện nay được cấp phát từ ngân sách của Bộ Công an và TP nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó riêng quần áo bảo hộ chuyên dụng trang bị cho chiến sĩ ở Hà Nội chỉ vỏn vẹn có 50 bộ (giá mỗi bộ 300 triệu đồng). Tất cả các thiết bị chuyên dùng cho lực lượng PCCC đều phải nhập khẩu, trong nước chưa thể sản xuất được. Sự thiếu thốn trang thiết bị cũng đã khiến trong vụ cháy chiều qua có 9 lính cứu hỏa bị bỏng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Thanh Niên