Sở Xây dựng Hà Nội đang triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua. Theo đó, khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố tại 10 quận không đúng chủng loại cây xanh đô thị, cây cong, xấu, ảnh hưởng mỹ quan, giao thông sẽ bị chặt hạ, thay thế.
Kế hoạch này đang được đông đảo dư luận người dân thủ đô quan tâm khi những ngày qua, trên một số đường phố như Lê Duẩn, Giải Phóng, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ...công nhân đã tiến hành chặt hạ và trồng cây mới thay thế.
|
Trên tuyến phố Quang Trung, khoảng hơn chục cây xà cừ lâu năm đã được hạ xong. |
Mới đây nhất, nhiều cây xà cừ cổ thụ trên phố Quang Trung đã được chặt hạ. Nhiều gốc xà cừ công nhân chưa kịp bứng đi vẫn còn nguyên dưới lòng đường để lộ phần giữa thân bị sâu mọt khoét rỗng. Nhiều người dân chứng kiến quá trình chặt hạ cây không khỏi lo ngại vì nhìn bên ngoài không thể biết được cây có bị sâu mọt đục khoét bên trong thân cây hay không, cây có thể gẫy đổ bất cứ lúc nào khi thân, gốc bị sâu mọt khoét rỗng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân sống ở phố Đại Cồ Việt, chứng kiến công nhân cưa cây ở phố Quang Trung, cho biết, 2 cây xà cừ bên phía hồ Thiền Quang “đáng” bị bứng đi. Thứ nhất là cây quá to, phình cả ra đường rất nguy hiểm cho người đi đường. Thứ hai, xà cừ là loại cây rễ chùm, có sức phát triển nhanh nhưng rễ của nó không bám sâu vào đất nên có thể gãy đổ bất cứ khi nào gặp tác động mạnh.
|
Một thân xà cừ sau khi cưa đổ người ta mới phát hiện thân cây bị sâu, mọt đục. |
Ông Dũng cho rằng chủ trương thay thế và trồng mới những loại cây cũ bị cong, sâu… bằng những loại cây mới phù hợp hơn là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Nhiều vụ tai nạn thương tâm do cây đổ trên nhiều tuyến đường của Hà Nội vào mùa mưa bão khiến người dân đi ra đường không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn không biết Hà Nội có nên thay thế hết một lúc không khi những cây trồng mới phải có thời gian phát triển. Trong khi đó mùa hè đang tới gần, Hà Nội không thể thiếu bóng mát của cây xanh.
Cùng quan điểm với ông Dũng, chị Nguyễn Thu Nga ở Thành Công, Ba Đình cảm thấy tiếc khi hàng loạt cây xanh, đặc biệt nhiều cây có tuổi thọ hàng chục năm ở đường Nguyễn Chí Thanh và nhiều tuyến phố khác bị đốn hạ. Chị Nga cho rằng nên kết hợp xen kẽ vừa chặt vừa trồng cây mới để bóng râm không bị mất đột ngột. "Mùa hè sắp đến rồi mà cây bên đường bị chặt hàng loạt thì không khí sẽ rất oi bức. Người dân sẽ không tìm được bóng râm mỗi khi ra đường", chị Nga nói.
Ông Đoàn Văn Mạnh, một người dân sống trên phố Lò Đúc cũng đề nghị cơ quan chức năng cần tính toán kỹ càng việc lựa chọn cây thay thế và nên thay thế trong bao lâu. Nên trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, rồi bỏ cây cũ một loạt.
Theo ông Mạnh, không phải tự nhiên mà người Pháp trước đây chọn trồng cây me và cây sấu trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Họ cũng đã từng thử nghiệm rất nhiều loại cây như phượng, cơm nguội, bàng; phượng thì hay gẫy cành, cơm nguội dễ bị mục thân, quả bàng khi chín rơi xuống đường gây mất vệ sinh… Trong khi cây sấu là loại cây ít sâu bệnh, lại là loại cây rễ cọc nên có độ an toàn, lại vừa có quả để cho thu hoạch…
Anh Nguyễn Hoài Nam (Láng Hạ) cũng đồng tình với chủ trương của thành phố, coi việc chặt hạ, thay mới cây bị sâu mọt, không đúng với mĩ quan đô thị là hợp lý. Tuy nhiên, anh Nam cho rằng việc loại bỏ, trồng mới, thay thế cây xanh cần phải có một chiến lược dài hơi. Nên lựa chọn trồng cây đúng với quy hoạch đô thị, tuổi thọ lâu dài. Không nên hôm nay chặt, mai lại phá.
Anh Nam cũng đề nghị loại cây lựa chọn để thay thế phải là loại cây có rễ cọc, không phải loại rễ chùm như xà cừ - một loại cây rất phổ biến trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội hiện nay. Loại cây này vừa cao vừa lớn rất dễ gây tai nạn vào mùa mưa bão, bản thân công nhân công ty môi trường đô thị cũng rất vất vả khi dọn lá của loại cây này.
Theo đề nghị của Sở Xây dựng Hà Nội, lần thay đổi này, Vàng tâm là loại cây được đề xuất để thay thế những cây phải loại bỏ. Là loại cây gỗ quý, rễ cọc, cao 25 - 30m, đường kính 70 - 80cm2. Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, rộng 1,5 - 6,5cm. Ra hoa vào tháng 3-4. Hoa có mùi thơm nhẹ, hương lâu. Gỗ tốt, khó mối mọt, khi khô không nẻ cũng không biến dạng. Vàng tâm có độ bền cao với tuổi thọ lên tới hàng nghìn năm. Theo các nhà chuyên môn, việc lựa chọn cây Vàng tâm để trồng vừa tạo điểm nhấn cho tuyến phố, vừa thực hiện mục tiêu bảo tồn loài cây gỗ quý.
|
Nhiều cây xà cừ lâu năm như thế này sẽ tiếp tục bị chặt hạ thời gian tới. |
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội chủ trương thay thế các loại cây xanh không đúng chủng loại, không đủ tiêu chuẩn… Từ tháng 2/2007, thành phố Hà Nội đã bắt đầu tiến hành thay thế cây xanh không đúng chủng loại trên các tuyến phố để sau đó Hà Nội có hàng loạt tuyến phố với những loại cây xanh đặc trưng như phố Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Bài, Phan Đình Phùng với cây sấu; phố Lý Thường Kiệt là cây phượng; phố Ngô Thì Nhậm là cây hoa sữa; phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ... là cây bằng lăng. Các tuyến phố mới cũng được trồng thống nhất một loại cây xanh như tuyến phố Lê Đức Thọ trồng cây vàng anh, phố Phạm Hùng trồng cây sấu.
Khoảng tháng 8/2009, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng trồng cây ngân hạnh tại các công viên, vườn hoa và trên một số tuyến phố của Hà Nội. Trước cây ngân hạnh, cây hoa anh đào cũng được đồng ý trồng trên một số tuyến phố như Thụy Khuê, công viên Nghĩa Đô… và một số tuyến phố khác.
Chắc chắn rằng những lần thay đổi, những loại cây được chọn để trồng đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho con người, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, để những việc làm đó phát huy được giá trị, cơ quan chức năng cũng nên lắng nghe, quan tâm tới ý kiến của người dân.
Theo Thanh Hà/VOV.VN