LTS: Hàng năm có rất nhiều cuộc đại hội cũng như ngày lễ lớn trong nhà trường, sau mỗi lần đại hội hay ngày lễ đó là cuộc liên hoan, mà mỗi cuộc liên hoan đó không bao giờ là không có uống bia, rượu.
Điều đó đối với xã hội ngày nay nhiều người cho là bình thường nhưng với ngành giáo dục thì nó lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới học sinh. Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao thẳng tay chỉ ra vấn đề thầy cô giáo ngồi nhậu.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Có nhiều người quan niệm đàn ông không nhậu nhẹt là…đàn bà. Và, thực tế những người đàn ông không biết uống rượu bia hoặc không muốn uống thì thường rất ít bạn bè.
Chính vì vậy mà thời nay vấn nạn rượu bia đã trở thành nỗi sợ hãi của bao người. Người ta mời nhau ở mọi nơi, mọi lúc, người ta uống với nhau không chỉ nơi quán xá, thậm chí cả trong các cơ quan, công sở, nhà trường…
Đối với trường học, đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên là không được uống rượu bia trong giờ hành chính, không được lên lớp khi có mùi bia rượu, không được tổ chức nhậu nhẹt trong khuôn viên nhà trường.
Tất cả điều đó đều hướng tới một môi trường trong sáng của các đơn vị trường học, hướng tới sự gương mẫu của mỗi thầy cô giáo.
|
Tệ nạn ngồi nhậu của giáo viên (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc vẫn tổ chức nhậu nhẹt trong khuôn viên nhà trường, vẫn uống rượu trong giờ hành chính mà phần lớn những người vi phạm này lại chính là các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường và các thành phần cốt cán.
Các trường học hiện nay, phần lớn có căng tin để bán đồ ăn uống cho học sinh và giáo viên hàng ngày. Và, cũng chính nơi đây đã được tổ chức làm nơi nhậu nhẹt.
Khi các hoạt động dạy và học đang diễn ra thì việc tiếp khách hay tổ chức uống bia rượu được tổ chức khuất ra phía sau. Nhưng khi tan trường là được dọn công khai ra phía trước.
Những buổi nhậu như thế thì thành phần Ban giám hiệu không thể thiếu, thậm chí lại là người khơi mào cho việc tổ chức.
Nhiều cuộc nhậu không được tổ chức trong nhà trường thì được tổ chức ở các quán nhậu cạnh trường học, nhất là mỗi khi có dịp tiếp khách.
Cũng có thể là khách cấp trên nhưng cũng có thể là các vị ở đơn vị trường bạn đến hội họp hay đến chơi. Lâu ngày gặp nhau là mời nhậu.
Chính vì lẽ đó mà nhiều khi các đơn vị trường học không có người trực lãnh đạo. Bởi một khi Ban giám hiệu đã đi là kéo theo một số vị “chức sắc” của trường theo, mà một khi đã được Ban giám hiệu mời thì mấy ai đủ dũng khí khước từ.
Nhiều vị sợ có mùi bia rượu khi vào trường nên “cáo nghỉ luôn” hay nhờ người khác trực, dạy thay cho mình.
Hiện tượng nhậu nhẹt thời nay đã trở nên phổ biến với mọi người nên một số đơn vị trường học lại có cái tục “trả nợ miệng”.
Tháng này họp lệ hoặc thao giảng Hội đồng bộ môn ở đơn vị trường tôi, tôi mời anh, tháng sau đến đơn vị trường anh, anh mời tôi, nhất là với các thầy cô là Ban giám hiệu và các Tổ trưởng chuyên môn thì khó có thể khước từ những lời mời mọc thân tình từ các đơn vị bạn.
Ngoài chuyện thao giảng Hội đồng bộ môn thì một số thầy cô làm công tác Đoàn – Đội cũng hay có dịp gặp gỡ. Bởi những thầy cô làm công tác này cũng thường xuyên sinh hoạt theo chủ đề, mỗi tháng mỗi trường luân phiên nhau đảm nhận.
Kết thúc các buổi giao lưu, sinh hoạt là bao giờ cũng mời cơm thân mật. Mà đã là cơm thân mật là nhất thiết sẽ có rượu bia mời nhau. Nhiều bữa tiệc được kéo dài từ trưa cho đến tối. Từ đó, chuyện mời nhau chén rượu, cốc bia đã thành một tiền lệ khi có dịp gặp nhau của các thầy cô.
Trong nhà trường, Ban giám hiệu là người đề của các nội quy, qui định của đơn vị, là người phổ biến các quy định, các thông tư, các bộ luật cho cán bộ nhân viên nhà trường mà lại có thể ngồi nhậu với nhau trong giờ hành chính, có những lần chủ trì cuộc họp mà còn nồng nặc mùi rượu bia.
Nhiều vị trong Ban giám hiệu thường mời những giáo viên cốt cán, thân cận trong trường khi gia đình có giỗ, có việc và dẫn đến tình trạng trường học nhiều hôm không có người trực lãnh đạo…Rõ ràng, những sự việc như trên không hề đẹp chút nào trong mắt đồng nghiệp và học sinh nhà trường.
Chuyện uống rượu bia trong giờ hành chính, trong khuôn viên nhà trường đôi lúc đã thành tiền lệ mỗi khi cần xã giao nhau. Văn hóa người Việt trọng nghĩa tình mỗi khi có khách khứa đến nhà mình, đơn vị mình.
Nhưng, có lẽ với đặc trưng của ngành giáo dục, việc làm này có lẽ chưa đẹp trong mắt thiên hạ, nhất là mắt các em học sinh.
Thiết nghĩ, những thầy cô hay có dịp “xã giao” cũng cần sự thận trọng trước những việc làm của mình để lưu giữ hình ảnh người thầy một cách trọn vẹn trong ánh mắt học trò và phụ huynh học sinh.
Theo GDVN