Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra liên hoàn giữa 5 xe ôtô vào rạng sáng ngày 28/9 trên cao tốc TP HCM- Trung Lương đoạn qua xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An làm 2 người tử vong, 3 người bị thương nặng, vừa được nhà chức trách khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 tài xế xe khách có liên quan để xử lý hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng”.
“Ám ảnh” cung đường tử thần
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều
vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc TP HCM- TL, đặc biệt là đoạn qua địa phận tỉnh Long An xảy ra trong thời gian qua làm hàng trăm người thương vong.
|
Vụ TNGT liên hoàn xảy ra rạng sáng ngày 28/9 trên cao tốc TP HCM- Trung Lương đoạn qua xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An làm nhiều người thương vong. |
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Long An, từ khi đường cao tốc TP HCM – TL đưa vào hoạt động (2/2010), đoạn qua địa bàn tỉnh Long An với gần 30km đường nhưng đã xảy ra 212 vụ TNGT, làm chết 33 người, bị thương 149 người và gây hư hỏng gần 100 phương tiện các loại cũng như thiệt hại nhiều tài sản khác.
Rạng sáng 17/5/2011, xe khách loại 16 chỗ BKS 53L-8528 do tài xế Lữ Vinh (40 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) điều khiển chở hàng chục hành khách từ Trung Lương về TP HCM. Khi lưu thông trên đường cao tốc TP HCM- Trung Lương (đoạn qua TP.Tân An, tỉnh Long An) chiếc xe khách này đã lao vào sau xe tải BKS 94L-7000. Tai nạn khiến tài xế Vinh và 2 nữ hành khách ngồi băng ghế trước chết tại chỗ; 8 hành khách khác bị thương nặng được đưa về BV Chợ Rẫy cấp cứu.
3h sáng 13/6/2011, tại Km 17+500 trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (đoạn qua địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An), chiếc xe tải BKS 54S-3411 do anh Nguyễn Kiến Phát (quê tỉnh Hậu Giang) điều khiển bất ngờ bị nổ vỏ. Tài xế Phát cho xe sang trái đường thì cùng lúc xe khách 16 chỗ biển số 53S-2150 do anh Nguyễn Thanh Liên (49 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) điều khiển chạy với tốc độ nhanh, không kịp xử lý lao vào phía sau xe tải.
|
Nhiều vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên cao tốc TP HCM- Trung Lương làm hàng trăm người thương vong. |
Hậu quả thảm khốc làm 5 người trên xe khách chết tại chỗ; 13 người khác bị thương nặng được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Do thương tích quá nặng nên tài xế Liên và thêm 2 nạn nhân khác cũng đã tử vong.
Hơn 1 tháng sau, gần 5h sáng 18/7, lại xảy ra vụ TNGT giữa xe khách 16 chỗ và xe tải trên đường cao tốc Trung Lương (Km 22+400, huyện Bến lức, tỉnh Long An) làm 2 hành khách Nguyễn Văn Nghị (70 tuổi) và Phạm Thị Giang (64 tuổi, cùng ngụ tỉnh Tiền Giang) chết thảm tại hiện trường; 15 hành khách khác bị thương nặng…
Vì sao thảm nạn thường xảy ra lúc rạng sáng?
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt công an tỉnh Long An, hầu như đa số những vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc gây hậu quả thảm khốc đều diễn ra lúc rạng sáng.
Qua điều tra, phân tích của các ngành chức năng cho thấy các vụ TNGT chủ yếu xảy ra trong đêm (chiếm 76%, trong đó khoảng thời gian xảy ra tai nạn từ 1h đến 5h sáng chiếm 61%), và nguyên nhân do tài xế ngủ gật chiếm đến 51%.
|
Các ngành chức năng xác định đa số những vụ tai nạn xảy ra lúc rạng sáng là do tài xế buồn ngủ, không làm chủ phương tiện gây tai nạn thảm khốc. |
“Hầu như các vụ TNGT gây hậu quả thảm khốc trên cao tốc TP HCM – Trung Lương đều xảy ra theo hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn”, một cán bộ điều tra TNGT tỉnh Long An thông tin.
Từ kết quả điều tra nói trên, các ngành chức năng khẳng định: “Nhiều tài xế lái xe đường dài ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…xuất phát từ đầu giờ tối, khi đến địa phận tỉnh Tiền Giang, Long An trên cao tốc TP HCM – Trung Lương thì trời rạng sáng và đây là thời điểm rất dễ buồn ngủ cùng với làm việc quá sức nên tai nạn dễ xảy ra”.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ sẽ tăng cường thông tin, nhắc nhỏ trên các bảng điện tử dọc tuyến đường; đồng thời đề nghị lực lượng CSGT tăng cường tuần tra vào thời gian gần sáng để cảnh báo tài xế. Tổng cục cũng sẽ làm việc với hiệp hội vận tải nhằm khuyến cáo, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ nghỉ ngơi cho tài xế.
“Chúng tôi sẽ lắp đặt các tấm chống chói kết hợp phản quang, thiết kế để đèn chiếu sáng của xe đối diện có thể chiếu vào xe ngược chiều ở mức độ giúp tài xế tránh được cơn buồn ngủ. Tuy nhiên quan trọng là tài xế phải làm chủ tốc độ, làm chủ bản thân khi thấy mình không đủ sức khỏe, đoạn đường nào tối, tầm nhìn hạn chế…thì phải điều khiển xe giữ khoảng cách an toàn”, một Lãnh đạo Cục quản lý đường bộ khuyến cáo.
Đăng Lê