Hôm qua 8/5, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), Công an P.4, Q.Tân Bình kiểm tra đột xuất phòng khám Hiệp Hòa (tại tòa nhà số 31A - 31 - 31B Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM) và phát hiện nhiều người Trung Quốc khám chữa bệnh trái phép tại đây.
|
Rất đông người Trung Quốc tại phòng khám Hiệp Hòa khi đoàn kiểm tra đến - Ảnh: Thanh Tùng |
Không trốn được
Trước đó, một bác sĩ người Việt được thuê đứng tên phòng khám Hiệp Hòa đã làm đơn phản ánh lên Sở Y tế rằng: mặc dù ông là người đứng tên chuyên môn, nhưng không hề được biết hoạt động của phòng khám. Theo ông, mọi hoạt động do một đoàn người Trung Quốc điều hành tất cả và hoạt động hành nghề có rất nhiều biểu hiện sai trái, gây biến chứng cho bệnh nhân, lấy giá “cắt cổ” đến vài chục triệu đồng mỗi người, quảng cáo quá chức năng như cắt dây thần kinh bộ phận sinh dục nam để điều trị vô sinh...! Vị bác sĩ người Việt đứng tên nghi ngờ những người Trung Quốc này đến từ phòng khám Trung Quốc trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận (phòng khám có nhiều sai phạm đã bị đóng cửa năm ngoái).
“Ngày 2/5, Thanh tra Sở Y tế TP đã đến kiểm tra phòng khám Hiệp Hòa. Lúc đó, có 4 người Trung Quốc, nhưng họ đã cởi áo blouse và nhanh chóng trốn mất. Thanh tra phát hiện nơi đây hành nghề quá chức năng đã cho đình chỉ hoạt động hôm 2/5, nhưng giờ quay lại họ vẫn ngang nhiên hành nghề!”, một cán bộ thanh tra cho biết.
Đội lốt phòng khám Việt
Theo
Thanh tra Sở Y tế TP, các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc, sau
một thời gian hành nghề tại VN bộc lộ quá nhiều sai phạm, bị phát hiện,
bị đóng cửa, nay họ chuyển sang dạng phòng khám đa khoa, thuê người Việt
đứng tên, nhằm đánh lạc hướng người bệnh và cơ quan quản lý. Thanh tra
đề nghị người dân, cơ quan truyền thông hỗ trợ, nếu phát hiện phòng khám
đa khoa nào có dấu hiệu người Trung Quốc hành nghề trái phép thì báo
cho Sở Y tế, Thanh tra y tế biết, để kịp thời kiểm tra, xử lý.
"Thanh tra phát hiện nơi đây hành nghề quá chức năng đã cho đình chỉ hoạt
động hôm 2/5, nhưng giờ quay lại họ vẫn ngang nhiên hành nghề!" - Một cán bộ thanh tra |
Sau lần đó, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM) lên kế hoạch tái kiểm tra phòng khám này chi tiết, cẩn thận hơn. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã cho khảo sát tòa nhà cao tầng có phòng khám trên, ghi chép lại tất cả các lối ra vào của tòa nhà… Sáng sớm 8.5 trước khi tiến hành "đột kích", cơ quan chức năng còn điều động người giám sát vòng ngoài. Bị kiểm tra bất ngờ và bị chặn hết các lối ra, nên lần này những người Trung Quốc khám chữa bệnh trái phép hết đường tháo chạy!
Tái yêu cầu ngưng hoạt động
Khi đoàn thanh tra ập vào phòng khám, có mấy chục người nói tiếng Hoa tại đây, trong đó có một số người mặc áo blouse. Qua sàng lọc, đoàn kiểm tra xác nhận 8 người Trung Quốc có mặt tại phòng khám là để khám chữa bệnh. Trong số 8 người này, có đến 7 người Trung Quốc không xuất trình được bằng cấp chuyên môn và chứng chỉ hành nghề tại VN, gồm: Xiao Yuan Zhong, Wang Ya Fang, Zuo Quang Sheng, Yang Jun, Zhang Gai Xiang, Lu Guo Xian, Nie Pin. Chỉ duy nhất ông Li Hang Hai xuất trình chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ngày 5.3.2013.
Theo Thanh tra Sở Y tế, phòng khám Hiệp Hòa chỉ đăng ký khám bệnh đa khoa thông thường, nhưng lại hoạt động quá chuyên môn. Đoàn kiểm tra đã ghi nhận có nhiều bệnh nhân đến đây cắt trĩ, cắt bao quy đầu. Có bệnh nhân cho biết điều trị trĩ tại đây mới hai ngày mà trả gần 30 triệu đồng. Thanh tra đã chụp hình và lấy lời khai từ các nhân viên về công dụng của tất cả các máy móc tại đây. Trong đó có nhiều máy móc y chang những chiếc máy “hàng mã” ở các phòng khám Trung Quốc sai phạm bị đóng cửa hàng loạt năm 2012. Các nữ điều dưỡng người Việt cho biết họ không được đụng đến các máy móc, chỉ có người Trung Quốc mới được sử dụng điều trị.
|
Máy móc toàn chữ Trung Quốc tại phòng khám Hiệp Hòa. |
|
Một chiếc máy gõ vào kêu lộp cộp như “hàng mã”, nhưng nhìn rất dễ lầm với máy CT. |
Đoàn kiểm tra lập biên bản, tạm giữ
các hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh; cho ngưng hoạt động phòng khám lần thứ
hai; yêu cầu đại diện phòng khám xuất trình hồ sơ pháp lý các "bác sĩ"
người nước ngoài, và các trang thiết bị. Sở Y tế sẽ có biện pháp xử lý
tiếp theo.
Sự kiện lần
này phản ánh tình trạng các phòng khám Trung Quốc vẫn lén lút tồn tại,
hành nghề quá chức năng, lừa gạt người bệnh trong nước; nhiều người
không có chuyên môn nhưng vẫn ngang nhiên đứng ra khám chữa bệnh, khi cơ
quan chức năng đến kiểm tra thì cứ theo bài cũ: cởi áo, tháo chạy!
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Thanh Niên