|
Nụ cười của bà mẹ trẻ Võ Thị Trà My (30 tuổi) giây phút chào đón con ra đời trong đêm giao thừa - Ảnh: VŨ THỦY |
"Con sắp ra rồi. Rặn mạnh nữa lên. Giỏi lắm. Còn bao nhiêu sức dồn hết vào lần này nhé…", tiếng bác sĩ Trâm và chị hộ sinh liên tục vang lên gần bàn sinh của sản phụ Võ Thị Trà My (30 tuổi).
"Vượt sóng" cùng các cô bầu
Đó là "cô bầu" đầu tiên của bác sĩ Trâm khi bước vào ca trực đêm giao thừa. Xung quanh cô, tiếng những bà bầu rên rỉ vì đau, tiếng những em bé mới chào đời vang lên oe oe.
Khoảnh khắc sau đó Trâm đỡ trên tay em bé đỏ hỏn, "xấu xí" vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã cất tiếng khóc vang.
|
Bác sĩ trẻ Lưu Minh Trâm vui mừng đón một em bé vừa mới chào đời trong ca trực giao thừa đầu tiên - Ảnh: VŨ THỦY |
Bà mẹ trẻ mệt lả, tái nhợt sau cơn rặn đẻ nở nụ cười hạnh phúc đón đứa con bé bỏng mà Trâm vừa đặt trên bụng cô. Nụ cười hạnh phúc như chưa từng trải qua cơn đau đẻ chết đi sống lại vừa mới trải qua chỉ dăm ba phút trước đó.
Trâm cũng cười, thở phào nhẹ nhõm, nắm tay bà bầu chúc mừng năm mới. Đêm nay là đêm trực giao thừa đầu tiên cô bác sĩ trẻ sau 5 năm vào bệnh viện.
"Trong phòng đang có khoảng 5 cô bầu, sắp sinh rồi", Trâm bảo. Xung quanh những bà bầu khác đang trong cơn đau đẻ, người khóc lóc, người kêu la, tiếng những em bé mới chào đời khóc oe oe.
Trâm kể, lúc ở nhà, cô con gái ba tuổi cứ khóc khi nghe mẹ bảo phải đi làm. "Bé cũng quen với việc mẹ đi trực đêm, nhưng đêm nay bé cũng biết là giao thừa, biết đêm nay có cái gì đó đặc biệt nên làm nũng không muốn xa mẹ, cũng phải dỗ dành một hồi", Trâm kể.
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Quý Khoa đón em bé đầu tiên Mậu Tuất chào đời tại bệnh viện phụ sản Từ Dũ - Ảnh: VŨ THỦY |
Đêm nay cũng là một giao thừa đặc biệt của ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa (55 tuổi) - trưởng khoa Phụ Bệnh viện Từ Dũ, đêm trực giao thừa cuối cùng trong đời thầy thuốc của người bác sĩ già trước khi về hưu.
Với vai trò trưởng khu trực thường trú, nhiệm vụ của người bác sĩ đầy kinh nghiệm trong ca trực đặc biệt này là "cầm trịch" toàn bộ hoạt động chuyên môn của bệnh viện từ tất các các phòng, khoa.
|
Hơn 300 y bác sĩ bệnh viện Từ Dũ vẫn miệt mài làm việc trong đêm giao thừa - Ảnh: VŨ THỦY |
Rảo bước nhanh trong hành lang dẫn đến khoa phụ kiểm tra công việc trong đêm đặc biệt này, bà vừa hồi tưởng vô số khoảnh khắc đã trải qua suốt 29 năm làm việc.
"Tôi cũng trải qua rất nhiều vị trí ở bệnh viện, có rất nhiều ca trực vào những ngày đặc biệt. Từ lúc còn là bác sĩ "bé xíu" rồi thành bác sĩ cột 4, cột 3, cột 2, cột 1 rồi thành bác sĩ thường trú hiện tại", bác sĩ Khoa hồi tưởng.
'Chúc ca trực bình an'
"Đêm giao thừa là lúc người người quây quần, sum họp bên gia đình. Y bác sĩ cũng muốn được ở bên người thân của mình nhưng làm nghề y, đến ca trực thì bất cứ ngày nào cũng phải làm nhiệm vụ", bác sĩ Quý Khoa bảo.
Bác sĩ bảo 29 năm làm nghề, đã trải qua nhiều đêm giao thừa ở bệnh viện, được trải qua niềm vui lớn nhất là "đón em bé chào đời khoảnh khắc giao thừa".
"Mình không có niềm vui ở bên gia đình, anh em mà có niềm vui khác. Niềm vui được vượt sóng cùng với sản phụ, cùng họ trải qua giây phút quan trọng trong cuộc đời họ, đón chào một sinh linh chào đời", bác sĩ bảo.
|
Cùng chúc nhau một ca trực bình an - Ảnh: VŨ THỦY |
Với Trâm - cô bác sĩ trẻ thì bước chân vào bệnh viện, nhận bàn giao "bà bầu" từ các ca trực trước, đứng cạnh bàn sanh, từng giây, từng phút cận kề với những mẹ bầu chờ những sinh linh bé nhỏ nhích ra từng chút từng chút, đón các em bé đỏ hỏn trên tay thì đã quên đi phút chạnh lòng lúc phải chào con, lúc chạy ngoài đường thấy phố xá vắng vẻ chiều 30 tết.
Đêm trực giao thừa, ngoài niềm vui với các mẹ bầu, các em bé, các y bác sĩ cũng rộn ràng với những mâm cúng giao thừa mà họ tranh thủ cùng nhau chuẩn bị giữa những phút được rảnh rang, cũng mai, đào, hoa cúc, hoa lan, bánh chưng, dưa hấu.
|
Bên hành lang phòng bệnh, các y bác sĩ cũng có những phút giây cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cho thời khắc giao thừa - Ảnh: VŨ THỦY |
Bác sĩ Phạm Thanh Hải – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp gặp các y bác sĩ chúc tết. "Ở các bệnh viện khác người ta thấy đau đớn, thấy thương tích nhưng ở bệnh viện phụ sản chúng tôi có niềm vui to lớn là được đón các em bé chào đời. Nó làm vơi đi cảm giác chạnh lòng không được ở bên gia đình lúc giao thừa", bác sĩ Hải chia sẻ.
Hạnh phúc đêm giao thừa
"Vợ chồng tôi lên đây từ 27 tết để chuẩn bị đón con đúng vào thời khắc đặc biệt nhất của năm mới", chị Bùi Thị Cúc (33 tuổi, quê Đồng Tháp) vừa kể vừa vỗ về đứa con trong bụng.
Xa gia đình, xa người thân, đón tết ở bệnh viện, nhưng niềm vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt nhợt nhạt của bà mẹ trẻ khi chỉ vài tiếng nữa hai vợ chồng sẽ đón đứa con sinh mổ vào đêm giao thừa. Cúc kể, đứa con này là món quà quý mà vợ chồng chị đã mong mỏi suốt 5 năm qua bởi chị khó mang thai vì mổ nhân xơ tử cung và đã phải cấy tinh trùng để mang thai đứa con đứa con đầu lòng.
"Ngày vợ chồng tôi đi điều trị cũng là ngày sinh nhật của tôi. Chúng tôi cũng muốn con sinh vào một ngày đặc biệt. Năm mới là lúc vạn sự khởi đầu tốt đẹp, chúng tôi mong con cuộc đời con cũng bắt đầu với những điều tốt đẹp", chị Cúc chia sẻ.
|
Theo Tuổi Trẻ