Rốt ráo cải thiện cả trên trời, dưới đất
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ trưởng GTVT, tân Cục trưởng Hàng không VN Đinh Việt Thắng khẳng định, hạ tầng quá tải trầm trọng tại Tân Sơn Nhất đã khiến cảng hàng không này “thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay, trong nhà ga, khiến chất lượng dịch vụ sụt giảm”.
Cụ thể, theo ông Thắng, với năng lực hạ tầng hiện có, cảng hàng không Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng khai thác 28 triệu khách/năm. Tuy nhiên, năm 2016, sản lượng thông qua nhà ga hành khách đã đạt 32,2 triệu khách. Năm 2017, con số này dự kiến sẽ đạt tới 36,2 triệu khách. Đáng nói hơn, trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2020; 3-10% giai đoạn đến năm 2025 với nhu cầu tối thiểu đạt 38 - 40 triệu khách vào năm 2018 và 43 - 45 triệu khách vào năm 2020.
|
Hạ tầng quá tải trầm trọng khiến cảng hàng không Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay và nhà ga - Ảnh: Thanh Bình |
Về hệ thống sân đỗ, ông Thắng cho biết, con số 50 vị trí phục vụ khai thác thương mại là quá thiếu so với nhu cầu (khoảng 80 - 82 vị trí đỗ). Trong nhà ga, số lượng hành khách thông qua đã vượt giới hạn của nhà ga nội địa 32% (đạt 19,8 triệu khách so với năng lực 15 triệu khách/năm). Trước thực trạng này, ông Thắng kiến nghị một loạt giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2018 để có thể nâng năng lực cảng hàng không này lên 40 triệu khách/năm và nâng slot của cảng trung bình đạt 44 triệu khách.
Cụ thể về hạ tầng, Cục Hàng không VN đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc hoàn thành trong quý II-III/2018 thay vì quý I/2019 như hiện nay; Đưa các vị trí đỗ tàu bay qua đêm tại khu vực 19,79ha đất quân sự tạm bàn giao vào khai thác thương mại ngay trong tháng 8 này; đồng thời đẩy mạnh tiến độ thi công dự án sân đỗ máy bay tại đây theo phương án “tổ chức thi công thành nhiều giai đoạn và đưa vào khai thác từng phần của dự án nhằm tăng số lượng vị trí đỗ tại cảng, hoàn thành toàn bộ dự án trong 6 - 8 tháng để đưa vào khai thác trong quý I/2018”.
Cục Hàng không VN cũng đề nghị xây dựng phương án sử dụng linh hoạt vị trí đỗ tàu bay, linh hoạt trong sử dụng quầy thủ tục hành khách tại các nhà ga, hoàn thành ngay trong quý III/2017. Về quản lý, bảo đảm hoạt động bay, Cục Hàng không VN cũng kiến nghị hàng loạt giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu tối ưu tổ chức vùng trời cụm sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất và Vũng Tàu; tối ưu hoá quỹ đạo bay, hoàn thiện phương thức khai thác 2 đường cất/hạ cánh (CHC) song song; quy định thời gian sử dụng đường CHC, giảm thời gian chiếm dụng đường, hoàn thành ngay trong năm 2017. Cùng đó, cần rà soát, tối ưu hoá phương án lăn từ đường CHC ra/vào sân đỗ, nghiên cứu quy trình phân bổ vị trí đỗ có sự tham gia của nhân viên kiểm soát mặt đất…
Liên quan đến vấn đề slot, Cục Hàng không VN đề xuất xem xét phân bổ slot đến mức giới hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác, đặc biệt trong các đợt phục vụ cao điểm hè; Kiểm tra giám sát hãng hàng không khai thác thực tế đúng với slot được phân bổ. Đáng lưu ý, cơ quan này đề xuất các slot không khai thác 7 tuần liên tục trở lên, tỷ lệ khai thác đúng giờ không đạt 80% sẽ không được tính là slot lịch sử vốn được ưu tiên khi phân bổ slot…
Đánh giá chính xác mức độ tắc nghẽn trên không
Trao đổi với Báo Giao thông về các giải pháp cấp bách trên, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN Trịnh Như Long đồng tình và cho rằng, để giải quyết vấn đề ách tắc của Tân Sơn Nhất, cần xử lý đồng bộ tất cả các mắt xích của dây chuyền vận chuyển hàng không, nhưng quan trọng nhất là hệ thống giao thông ra vào cảng; Các nhà ga hành khách, hàng hoá; Hệ thống khu bay gồm đường CHC, đường lăn, sân đỗ và cuối cùng là hệ thống điều hành bay khu vực tiếp cận, tại sân.
Cũng như vậy, ông Bùi Văn Võ, nguyên Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không VN) ủng hộ việc nâng công suất tối đa của Tân Sơn Nhất lên khoảng 45-47 triệu hành khách/năm, tương đương với khoảng 310-320 nghìn chuyến bay/năm bằng cách áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới trong quản lý điều hành bay, nâng cao năng lực giám sát, năng lực điều hành bay của kiểm soát viên không lưu.
“Tất nhiên, quan trọng là phải cải thiện hệ thống đường lăn hiện nay, bổ sung sân đỗ, xây thêm nhà ga hành khách cùng với cải thiện hệ thống kết nối giao thông tiếp cận”, ông Võ khẳng định.
TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, để hoá giải tình trạng tắc nghẽn Tân Sơn Nhất, cần đánh giá chính xác mức độ tắc nghẽn trên không (đường dài, tiếp cận, hạ cánh), dưới mặt đất (đường lăn, sân đậu, nhà ga, giao thông nội bộ trong sân bay và sự kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài), các yếu tố khách quan và chủ quan liên quan khác như trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, hiệp đồng phối hợp trong khai thác ở tất cả các khâu... Từ đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên để giải quyết tuần tự, đồng bộ mọi vấn đề một cách khoa học, khẩn trương, triệt để và hiệu quả.
Theo Thanh Bình/ Báo Giao Thông