Phương án tăng lương đã được Bộ Tài chính và Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội vừa họp và bàn thảo kỹ lưỡng.
Theo đó, ba đối tượng sẽ được tăng lương trong năm sau gồm: người có công; người về hưu; cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống tương đương mức lương hàng tháng là 3 triệu đồng/tháng trở xuống. Mức tăng sẽ 8% lương tối thiểu hiện hành tương đương 90.000 đồng/tháng/người.
|
ngân sách năm sau sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng lương cho ba đối tượng nói trên. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu phương án trên được Quốc hội phê duyệt thì ngân sách năm sau sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng lương cho ba đối tượng nói trên.
Bộ Tài chính cũng cho hay ngân sách năm sau là hết sức khó khăn. Do đó mức đề xuất trên đã là cố gắng rất lớn rồi. Nếu tăng cho tất cả mọi đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách, chỉ với 100 ngàn đồng/người/tháng, ngân sách sẽ phải chi thêm khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Mặt khác, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình đã đề ra. Còn lộ trình làm lương cho những năm tiếp theo thì đang được tính toán. Phía Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị bộ Tài chính tính toán với mong muốn mở rộng đối tượng được tăng lương và mức tăng sẽ cao hơn so với phương án bộ Tài chính đề xuất.
Trao đổi với phóng viên ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân, cho việc tăng lương theo lộ trình năm 2015 hiện vẫn đang được tính toán. Theo ông Huân, quá trình xây dựng mức tăng lương của năm 2015 đang được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất mức tăng và đối tượng được tăng lương.
“Phương án chính thức vẫn đang được các bộ bàn. Mức tăng cuối cùng là bao nhiêu, và những nhóm đối tượng được tăng lương là người có công, người về nghỉ hưu, người hưởng lương ngân sách hay mở rộng đối tượng hơn còn phụ thuộc vào quá trình cân đối ngân sách. Ngân sách cân đối được bao nhiêu thì sẽ tăng bấy nhiêu”- ông Huân cho hay.
Theo Tuổi Trẻ