ĐBQH đề nghị Trung ương vào cuộc vụ Trần Vũ Quỳnh Anh

Google News

“Bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh sai nhiều lần, Giám đốc sở Xây dựng vẫn thăng chức lên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa. Tôi đề nghị Trung ương vào cuộc vụ Trần Vũ Quỳnh Anh”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vụ bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh: Giám đốc Sở lên Phó Chủ tịch tỉnh phải có 'phù phép'Trần Vũ Quỳnh Anh hiện đang ở đâu là điều dư luận xã hội quan tâm.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã được bổ nhiệm với nhiều sai phạm. Tin tức báo giới những ngày qua đã đưa cái nhìn đa chiều về vấn đề này sau khi Thanh Hóa công bố kết luận thanh, kiểm tra ban đầu vào ngày 30/3.
Trong khi chờ cơ quan chức năng có những kết luận cuối cùng, dư luận vẫn bức xúc trước những sai phạm bổ nhiệm với bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Bà Quỳnh Anh từng được biết đến là "hot girl Thanh Hóa" Trần Vũ Quỳnh Anh sở hữu tài sản lớn với nhà và xe giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, mức lương công chức của bà Quỳnh Anh sau 5 năm gắn bó với “nghiệp công chức” cũng chỉ là mấy chục triệu đồng/năm.
Quá trình thăng tiến “thần tốc” của bà Quỳnh Anh cùng với nghỉ việc “chóng vánh” khiến dư luận xã hội nghi ngại điều bất thường.
Trần Vũ Quỳnh Anh được cho nghỉ việc chỉ sau 3 ngày gửi đơn, mang theo hồ sơ gốc của cá nhân tại sở Xây dựng Thanh Hóa khiến quá trình xem xét sai phạm gặp khó khăn. Tài sản "khủng" mà Trần Vũ Quỳnh Anh sở hữu cũng chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phải truy đến cùng trách nhiệm vụ việc, không thể để “tẩu tán” cán bộ như thế được.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của PV với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
- PV: Thưa Đại biểu, bỏ lại sau lưng nhiều “tì vết” trong việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2010-2015) đã thẳng tiến “lên tỉnh” khi được bầu bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh vào ngày 10/11/2015. Là cán bộ cấp tỉnh, liệu quá trình xem xét trách nhiệm ông Ngô Văn Tuấn thời còn làm Giám đốc sở Xây dựng có bị “e ngại”, thiếu khách quan hay nhẹ tay không?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Nếu Thanh Hóa không làm được, hãy để Trung ương vào cuộc. Nhưng tôi nghĩ, Thanh Hóa chỉ làm được một phần rất nhỏ trong câu chuyện dài. Thanh Hóa chỉ có thể làm rõ trách nhiệm liên quan đến cấp Sở, còn dư luận quanh bà Trần Vũ Quỳnh Anh có liên quan cả lãnh đạo tỉnh.
Hơn nữa, Giám đốc sở Xây dựng thời bổ nhiệm sai bà Quỳnh Anh là ông Ngô Văn Tuấn bây giờ thuộc diện Trung ương quản lý. Tôi nghĩ, Thanh Hóa không đủ thẩm quyền.
Nếu để Thanh Hóa làm có khả năng không khách quan và không đủ năng lực. Những sai phạm đã vượt quá tầm kiểm soát vì nó liên quan đến quá trình đề bạt, bầu ông Ngô Văn Tuấn giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh có gì khuất tất không? Tại sao có nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ mà vẫn “thăng quan tiến chức” như vậy?
Kể cả sai phạm ở thời điểm trước khi làm Phó Chủ tịch tỉnh, nhưng ông Tuấn có thể bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng. Với những đảng viên ở vị trí cao như thế, chắc chắn Thanh Hóa không đủ thẩm quyền, không thể xử lý được.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị làm rõ chuyện "phù phép" Giám đốc Sở bổ nhiệm sai Trần Vũ Quỳnh Anh mà vẫn lên được chức Phó Chủ tịch tỉnh.
- PV: “Bổ nhiệm sai phạm” và “được thăng tiến” là hai khái niệm không thể đi cùng theo giá trị tỉ lệ thuận. Sai phải bị kỷ luật, thăng tiến là người đủ đức, đủ tài. Qua sự thăng tiến của ông Ngô Văn Tuấn, Đại biểu đã nhìn thấy điều gì không bình thường vượt ra ngoài tầm Sở?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Như tôi nói ở trên, câu chuyện sai phạm cần làm rõ ở đây rất dài, Thanh Hóa chưa làm được mấy.
Tôi đề nghị Trung ương xem xét và vào cuộc sớm. Với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nếu giờ đã chuyển đi địa bàn khác sinh sống, một mình Thanh Hóa liệu có xử lý được không? Tài sản "khủng" của bà Trần Vũ Quỳnh Anh có thể ở tỉnh khác. Chắc chắn một mình Thanh Hóa không thể làm triệt để vụ việc này.
Đến thời điểm này, xét cả về năng lực và yếu tố khách quan, hiệu quả, thẩm quyền, tôi nghĩ phải chuyển lên Trung ương xử lý.
- PV: Liên quan đến việc sở Xây dựng không còn lưu hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh và cho nghỉ việc “thần tốc”, phải chăng đó là một hình thức xóa dấu vết sai phạm?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Đó là dấu hiệu "tẩu tán" nhân sự. Bên cạnh xem xét kỷ luật Giám đốc sở Xây dựng bổ nhiệm sai phạm, tôi đề nghị kỷ luật người đã đưa hồ sơ gốc cho bà Quỳnh Anh.
Ở đây không nên bàn đến câu chuyện sơ hở, thiếu sót. Tôi nghĩ cả quá trình sai phạm với bà Quỳnh Anh từ bổ nhiệm đến tài sản không kiểm tra được và không còn hồ sơ gốc đều có dụng ý. Tại sao nhiều trường hợp khác không thiếu sót, chỉ thiếu sót liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh?
Cả một quy trình chặt chẽ, kéo dài như thế, không thể thiếu sót hết lần này đến lần khác. Thiếu sót một lần đã có thể kỷ luật người đứng đầu, tập thể lãnh đạo sở Xây dựng Thanh Hóa. Cả một tập thể trí tuệ như thế, với những con người và chức vụ cụ thể, không thể sai sót liên tục.
- PV: Một trong những điều dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay vẫn là xử lý trách nhiệm người sai phạm. Tuy nhiên, theo một mô típ tiền lệ, hiện tại ông Ngô Văn Tuấn hoàn toàn im lặng. Đại biểu có nghĩ rằng, dù lý do sai phạm là gì, ông Tuấn cần sớm lên tiếng vì dám nhận trách nhiệm, sửa sai là phẩm chất của “công bộc” nên làm?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Ông Tuấn có quyền im lặng nhưng cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm buộc ông Tuấn trả lời dư luận mọi chuyện bất minh và sai sót liên quan trực tiếp đến cá nhân mình. Đó cũng là trách nhiệm của một công chức. Cần có câu trả lời trung thực, không vòng vo.
Việc bổ nhiệm sai bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Tuấn có chịu “sức ép” nào không? Hay vì muốn thăng tiến nhanh, lên chức Phó Chủ tịch mà ông Tuấn đã quyết định vội vàng? Tôi nghĩ cần làm rõ tất cả những việc này. Bổ nhiệm sai hết lần này đến lần khác mà vẫn lên chức Phó Chủ tịch tỉnh là cả một vấn đề lớn.
- PV: Đề bạt, bổ nhiệm cán bộ diện Trung ương quản lý là một quá trình chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bỏ lọt sai phạm lớn không phải điều đơn giản, thưa ông?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cần nhắc lại trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh - vẫn được gọi là "hot girl xứ Thanh", khi đi học lý luận chính trị. Kết luận nêu rõ, việc cử bà Quỳnh Anh đi học chỉ tập trung các điều kiện, tiêu chuẩn xét, cử đi học mà chưa xem xét quá trình công tác. Vấn đề nằm ở chỗ, để có các tiêu chuẩn “đủ” đã có sự “phù phép” nào đó, hợp lý hóa các tiêu chuẩn.
Với trường hợp ông Ngô Văn Tuấn cũng vậy. Để có các tiêu chuẩn đủ diện được đề bạt, bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh, có thể cũng trải qua một công đoạn “phù phép”. Thế mới có chuyện, lãnh đạo làm sai không bị kỷ luật mà còn tiếp tục thăng tiến.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo Dương Thu/ Người đưa tin