Dạy con trong hoang mang

Google News

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự bùng nổ của Internet đã thay đổi cách nghĩ của các bậc cha mẹ về thế giới, về đất nước, và cả về nuôi dạy con cái. 

Nhiều thế hệ con trẻ sẽ được nuôi dạy và trưởng thành bằng chính nhận thức của các bậc sinh thành, dưỡng dục hôm nay.
Trong mười hoặc hai mươi năm tới, có thể,những biến chuyển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thời đại của robot và các thiết bị điện tử tích hợp với cơ thể người sẽ thực sự thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau. Liệu chúng ta đã thực sự sẵn sàng?
Trong nhiều thế hệ, việc dạy con đối với người Việt là công việc “cha/mẹ truyền con nối”, thời xưa ông bà cha mẹ dạy con ra sao thì nay mình dạy con như vậy. Nhưng với biến động lịch sử và xã hội trong hơn một thế kỷ qua, việc du nhập các nền văn hóa khác nhau, thậm chí đối chọi nhau đang xảy ra ở Việt Nam, việc dạy con không còn là một công việc đơn giản nữa.
Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại thăm các nhà sách để xem các sách về dạy con mang nội dung gì. Nào là Dạy con theo kiểu Mỹ, Dạy con theo kiểu Nhật, Dạy con theo kiểu Pháp, Dạy con theo kiểu Do Thái, hay Dạy con theo kiểu Đức... Đủ cả! Tôi còn thấy hoang mang, nói gì đến các bậc phụ huynh.
Các “kiểu dạy con” này mang định hướng giáo dục dựa trên văn hóa và tập tục của những quốc gia được xem là thành công trên thế giới. Đó là Mỹ, là Nhật, là Pháp, là Đức... nhưng không phải là Việt Nam.
Trong khi đó, văn hóa Việt là thứ chảy trong huyết quản của mình. Chúng ta sẽ dạy con như thế nào đây? Những lý thuyết, phương pháp và mô hình đôi khi đối lập lẫn nhau chan chát. Đó là chưa nói tới chuyện đa số loại sách này, tác giả thiếu kiến thức nền tảng về giáo dục và tâm lý nên thường đưa ra những bài học cảm tính và chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Trong khi đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng trí tuệ của con trẻ ngày nay phát triển sớm hơn. Trẻ không chỉ thông minh hơn mà còn nhạy cảm hơn. Văn hóa, xã hội, chúng ta, và con trẻ đều thay đổi. Vì thế chúng ta không thể tiếp tục lối mòn dạy con theo lối các thế hệ trước trao truyền. Và vì thế chúng ta chắc chắn sẽ rất hoang mang trong việc dạy con.
Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những chấn thương và nội kết trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ, và chú tâm trọn vẹn hơn đến chính mình và những người chung quanh trong sinh hoạt hằng ngày của mình.
Khi chúng ta đã hóa giải được những nội kết trong tâm hồn của chính chúng ta, con cái sẽ không là “phương tiện” cho những gì chúng ta chưa làm được, đặc biệt cho những tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta.
Nếu còn quá nhiều nội kết, kể cả những chấn thương, việc dạy con của chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào những cơn cảm hứng, những xung động tình cảm, góc độ, hoàn cảnh những nhận thức khiếm khuyết nên dễ thái quá và bất cập, khi thì quá nghiêm khắc, khi thì quá nuông chiều nên đứa trẻ cũng dễ bị hoang mang. Nó không hiểu tại sao như vậy.
Hãy nghiệm lại bản thân mình, chúng ta cũng từng là nạn nhân của những lần la mắng vô cớ, của những lần đánh đập vô cớ vì cha mẹ mình đã không điều tiết được cảm xúc của họ ở thời điểm đó. Con cái của chúng ta hiện nay cũng trở thành nạn nhân của những căng thẳng công việc, bực bội với đối tác, hay những lần tức giận với bế tắc của chính cuộc đời cha mẹ chúng.
Tôi cho rằng, các bậc làm cha làm mẹ nếu không cởi bỏ được nội kết, hay nói đơn giản hơn là cái “mắc” của mình thì không thể nào giáo dục được con mình một cách trọn vẹn, nhất là đem đến cho con mình một cuộc sống đầy tự tin, an bình và hạnh phúc.
Khi trò chuyện cùng các bậc cha mẹ hôm nay, tôi không chỉ đến từ vai trò một giảng viên đại học hay một chuyện gia tâm lý. Khi tôi nói chuyện với các bạn, cũng có nghĩa là tôi đang nói với chính tôi, với quá khứ của tôi, với tất cả những người đã từng có một “mắc” nào đó với mình trong đời sống của mình. Chúng ta lại đem cái “mắc” ấy gán cho thế hệ sau, như bố mẹ mình, ông bà mình từng đem cái “mắc” của họ gắn cho mình.
Những khổ đau, sơ hãi, tự ti, tức giận, buồn bã,... cứ như thế mà truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và chúng ta vô tình lại áp đặt những đau khổ đó lên con cháu chúng ta, tưởng là, để vơi bớt nỗi đau của chính mình.
Nhưng thật ra khoa học cho ta thấy không phải vậy. Những nội kết hay chấn thương tâm lí mà chúng ta đang mang chịu cũng có thể ví như những vết rạn gãy trong bộ xương của chúng ta.
Nếu không được chỉnh lại, mà cứ để thế, thì một ngày chúng cũng lành da thịt lại liền. Nhưng chúng không còn thẳng, không còn hình dáng ban đầu. Và đến cuối đời, chúng ta sẽ sống với một tư thế chân tay hay cả bộ xương cong queo. Tâm hồn ta nếu không chữa lành những chấn thương cũng cong queo như vậy. Đôi khi để chữa lại một cánh tay cong, chúng ta phải chịu xẻ da thịt, đập vỡ xương để sắp lại.
Và để chữa lành một chấn thương tâm hồn, chúng ta cũng phải khơi dậy quá khứ, ý thức sự hiện hữu của chúng, trải nghiệm lại nỗi đớn đau, chấp nhận và thương yêu chính mình để cho chúng được lành. Tôi gọi đây là tiến trình chữa lành.
Tiến trình chữa lành cũng là đường về của tâm linh, đường về với chính con người của mình, cũng là cách để thoát khỏi cái “nghiệp” của mình. Chúng ta thường nói về “nghiệp” như một sản phẩm từ kiếp trước. Nhưng không phải như vậy. Chỉ từ ngày chúng ta và con cái chúng ta tượng hình trong lòng mẹ cho tới ngày hôm nay thôi, đã bao nhiêu nhân quả trùng trùng, bao nhiêu tích lũy của vô minh, tham dục và khổ đau chồng chất trong mình và cho người.
Day con trong hoang mang
 

Có một phụ huynh chia sẻ với tôi rằng, họ không biết dạy con như thế nào để không làm tổn thương trẻ về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Khi nó hư, người ta nói để mặc nó đi nhưng để mặc hoài cũng không được, cũng sợ làm tổn thương nó. Nhưng khi la mắng nó rồi, cũng lại sợ nó bị tổn thương. Đánh nó cũng sợ nó bị tổn thương. Chị hoang mang không phải ứng xử ra sao. Không biết phải dạy con lối nào đây?
Như một nghiên cứu đã cho thấy, dạy con không phải độc đoán, hay phó mặc, hay nuông chiều... mà là “từ nghiêm”, (từ bi và nghiêm nghị). Theo lối dạy con này, cha mẹ vừa uy nghiêm thiết lập những kỳ vọng và lề luật nhưng cũng đồng thời từ bi hỗ trợ cho con cái cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng biết là một chuyện, làm là một chuyện khác. Cha mẹ sẽ không thể nào áp dụng được những phương pháp hay mô hình giáo dục hay ho nhất thế giới, nếu chưa biết điều hòa cảm xúc của chính mình.
Khiển trách với từ bi khác với la mắng, với tức giận. Trừng phạt của hằn thù khác với kỷ luật của sự từ bi. Chúng ta cảm nhận được tâm trạng phía sau hành vi của người đối diện, thì đừng nghĩ đứa trẻ không cảm nhận được. Hãy làm sao cho trẻ thấy tuy chúng ta nghiêm khắc nhưng lòng chúng ta tràn đầy yêu thương.
Chúng ta dạy con trong nền văn hóa Việt Nam thì cũng không thể không xét đến những đặc điểm của nền văn hóa. Chẳng hạn việc dùng sự “xấu hổ” để giáo dục. Một hành động của trẻ không chỉ ảnh hưởng đến chính chúng mà còn của cả tập thể lớn hơn. “Mày làm thế là xấu hổ cho gia đình, tủi thẹn cho gia tiên, và nhục nhã cho dòng họ”.
Ở một khía cạnh nào đó, xấu hổ là “công cụ” tốt để răn đe. Luật pháp không thể can thiệp vào tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Ở những nơi ánh sáng của luật pháp không chiếu đến thì lòng tự trọng đi đối với hổ thẹn sẽ là cái thắng cho những hành động tà vạy. Mà chẳng phải Lão tử cũng đã nói: "Kì chính muộn muộn, Kì dân thuần thuần, Kì chính sát sát, Kì dân khuyết khuyết”, hay sao?
Nghĩa là: Pháp luật mà khắc nghiệt quá thì dân sẽ lỗi lầm không an hòa được. Thế nhưng, trong một gia đình mà sự xấu hổ bị lạm dụng để răn dạy con cái, thì lòng can đảm của các thế hệ mai sau sẽ bị triệt tiêu. Chúng sẽ không dám khác người để sáng tạo, để sống cho ước mơ và lý tưởng độc sáng của riêng mình. Khi đó, chúng ta chỉ còn một xã hội rập khuôn với những đứa trẻ ù lì trong sợ hãi.
Một vấn đề khác của văn hóa là tính tập thể và cộng đồng của người Việt. Trong việc nuôi dạy con là sự can thiệp đôi khi khá thô bạo từ ông bà, cô cậu, chòm xóm hay bạn bè. Khi còn nhỏ thì trẻ bị xoi mói từng cân chỉ sợ không mập không trắng.
Lớn lên một chút thì điểm này môn kia, trường này bạn nọ. Lớn hơn chút nữa thì... khi nào lấy chồng lấy vợ, sinh con đẻ cái. Tôi ở Hoa Kỳ 27 năm nhưng đến giờ, vẫn chưa quên được những “áp lực” ngộp thở đó.
Và tội thay cho những đứa trẻ, những đứa trẻ lớn lên đến lúc đã trưởng thành thay vì sống trong sự thương yêu đùm bọc thì lại sống trong sự soi mói phê phán của cả cộng đồng gia tộc và chòm xóm. Chúng ta đã đủ can đảm để nói không với áp lực từ tha nhân để con cái chúng ta có thể sống với tri thức và hạnh phúc riêng của chính nó hay không hay chúng lại phải sống cho hạnh phúc và thiên kiến của người khác?
Con đường dạy con không thể tách rời ra khỏi con đường chữa lành của các bậc cha mẹ, con đường suốt đời tự chuyển hóa để chấm dứt mọi khổ đau, oán hận, tự ti, của chính mình. Nhiều cha mẹ sống trong những áp lực của đời sống đã chạy trốn vào chất kích thích, ti vi, Facebook, v.v... tuy bên cạnh con nhưng tâm trí vẫn ở nơi nào.
Sự hiện diện của chúng ta bên con trẻ sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu chúng ta không trọn vẹn với trẻ, hay nói cách khác là hãy “chánh niệm” với con mình trong mỗi khoảnh khắc bên chúng. Điều này không chỉ là một tín điều của tôn giáo mà là kết quả của nghiên cứu khoa học.
Chỉ trong “chánh niệm”, trong sự chú tâm trọn vẹn và lan tỏa tâm từ bi, cả con trẻ và chúng ta mới được chữa lành. Mối giao cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái không chỉ là điều thần bí mà là những khả năng đã được mã hóa trong bộ não của chúng ta qua hàng triệu năm tiến hóa.
Chỉ khi chúng ta sống cùng con trẻ trong mối giao cảm đấy, để hai bên cùng điều hòa những cảm xúc bất an trong từ bi và trí tuệ, hạnh phúc mới đến trong gia đình và trong xã hội này.
Chúng ta có thể tự tin rằng, không có một nền giáo dục hoàn toàn ưu việt và cũng chẳng có một nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu. Bằng tri kiến trên cơ sở khoa học và tình thương vô biên của mình, những người làm cha làm mẹ hãy “tự mình thắp đuốc mà đi”. Hãy tự tìm thấy minh triết trong chính chúng ta trên hành trình làm cha làm mẹ.
Theo ANTG Cuối tháng