Ngày 18/9 tại TP.HCM, Cục Đường sắt VN (Bộ Giao thông vận tải) công bố quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo đơn vị tư vấn, các nhóm giải pháp về hạ tầng, phương tiện khai thác đến năm 2020 đạt mục tiêu “theo phương án cơ sở” gồm: cải tạo các nút cổ chai trên tuyến đường, xây hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi TP; cải tạo cục bộ 91 vị trí với chiều dài 44,11km ở đường cong nhỏ ảnh hưởng đến tốc độ; nâng cấp cải tạo cầu yếu, xây dựng hệ thống hàng rào đường gom...
Sau năm 2020 đến 2030 trên cơ sở kế thừa các giải pháp “theo phương án cơ sở”, đầu tư thực hiện tiếp các giải pháp để đạt “phương án cao”. Trong đó nâng cao tốc độ chạy tàu như cải tạo tuyến đường cong đầu bắc ga Thanh Hóa, cải tạo tuyến đường sắt qua Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt, đường nội thị ở khu vực đông dân cư; xây dựng các tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu du lịch; mua sắm 14 đầu máy kéo tàu khách, 24 đầu máy kéo tàu hàng...
Theo đơn vị tư vấn, tổng mức phương án đầu tư của “phương án cơ sở” là 85.214 tỉ đồng (3,96 tỉ USD). Theo đó, tốc độ chạy tàu khách đến năm 2020 sẽ tăng lên 84,4 km/h và tàu hàng là 55,7 km/h. Tổng mức đầu tư của “phương án cao” là 110.873,7 tỉ đồng (5,15 tỉ USD). Cụ thể, đến năm 2020 tốc độ bình quân chạy tàu khách là 95,7 km/h và tàu hàng là 63,1 km/h. Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu, ODA (vốn vay chính phủ nước ngoài), BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BT (đầu tư, chuyển giao) hoặc vốn từ các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải.
Tại buổi công bố quy hoạch, một số câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo Cục Đường sắt VN như việc hiện đại hóa ngành đường sắt nhưng không xây dựng cầu vượt trên nhiều tuyến đường ngang thì khó tăng tốc độ chạy tàu và khó kéo giảm tai nạn đường sắt.
Đồng thời, đề nghị ngành đường sắt cho biết cụ thể thời gian nào mới đầu tư xây dựng đường sắt trên cao đoạn từ Trảng Bom (Đồng Nai) về đến ga Sài Gòn. Đại diện UBND Q.Thủ Đức còn đề nghị ngành đường sắt cần cụ thể thời gian triển khai quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu để người dân sớm ổn định xây dựng nhà cửa trong khu quy hoạch “treo”.
Ông Vũ Quang Khôi - cục trưởng Cục Đường sắt VN - cho biết nội dung quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực TP.HCM thực chất là kế thừa quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Trong đó, đề xuất ưu tiên sớm triển khai xây dựng đường sắt Trảng Bom - ga Hòa Hưng nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị nhưng chưa thể xác định thời gian nào triển khai vì còn đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tương tự, ông Khôi cũng cho biết chưa biết thời gian nào thực hiện quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu cũng vì lý do chưa có vốn đầu tư.
Theo Tuổi trẻ