Ông Phan Văn Gòn, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết cơ quan chức năng chưa thể đưa ra một thoả thuận cụ thể nào về việc trích tiền cho người phát hiện gỗ vì tất cả phải theo quy định của Nhà nước, sau khi hiện vật đã được lấy lên để xác định ra sao thì mới bàn đến.
“Đương nhiên là việc chi trả sẽ thực hiện đúng với quy định của Nhà nước về tài nguyên của Nhà nước nhưng do người dân phát hiện”, ông Gòn khẳng định.
Khúc gỗ 7 - 10 tỉ đồng?
Trong khi đó, một số người dân thường đi rừng tìm gỗ quý và thương lái quan tâm về gỗ sưa, ước tính khúc gỗ có giá khoảng 7-10 tỉ đồng.
Theo nhiều người dân tại xã Phúc Trạch và giới buôn bán gỗ quý, ngay khi thông tin về khúc gỗ quý được phát hiện, một "đầu nậu" gỗ ở địa phương đã thoả thuận với cha con ông Thời (người phát hiện ra cây gỗ sưa), đưa cho gia đình ông 900 triệu đồng để mua đứt quyền lợi mà gia đình ông Thời có thể được hưởng vì có công phát hiện gỗ quý.
|
Cơ quan chức năng đã trục vớt được khúc gỗ sưa trị giá hàng tỉ đồng dưới lòng sông Trook. |
Theo cam kết của đầu nậu này, gia đình ông Thời cứ việc nhận 900 triệu đồng, còn đầu nậu sẽ "lời ăn lỗ chịu" khi nhận được tiền mà cơ quan nhà nước chi trả cho người phát hiện gỗ quý.
Nhiều người cho rằng khả năng "đầu nậu" trên sẽ lãi to vì khoản thưởng mà nhà nước trích cho người phát hiện số gỗ hàng tỉ đồng này lớn hơn nhiều con số 900 triệu đồng.
Như đã thông tin, ngày 23/2, ông Nguyễn Văn Thời cùng con trai thả lưới đánh cá trên sông Trook (thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngoài diện tích Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) thì phát hiện cây gỗ lớn nằm dưới lòng sông.
Thấy cây gỗ to và còn tốt dù đã nằm dưới sông từ lâu nên ông Thời nghi ngờ có thể là cây gỗ sưa (một loại gỗ quý). Hai cha con ông đã đẽo một ít đem về thử và xác định chính xác là một cây gỗ sưa.
Hôm sau, ông Thời và con trai gọi thêm mấy người họ hàng lên ngầm lấy gỗ. Nhưng do súc gỗ bị mắc kẹt vào các ngách đá và bùn đất phủ lên nhiều nên không lấy được.
Sau đó, chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm huyện Bố Trạch đã xác định gỗ quý và vào cuộc để trục vớt.
Đến hôm qua 26/2, cơ quan chức năng đã trục được khúc gỗ lên bờ. Theo quan sát tại hiện trường, khúc gỗ sưa có chiều dài khoảng 2m, bao gồm cả rễ, bị rỗng ruột. Ước tính trọng lượng khoảng 2 tấn.
Mua bán suất thưởng phát hiện gỗ quý: có thể vô hiệu!
Liên quan đến quy định của phát luật về quyền lợi của người phát
hiện gỗ và việc mua bán quyền này giữa "đầu nậu" với gia đình ông Thời, Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng giao dịch giữa ông Hùng “mía” và cha con ông Thời trong trường hợp này là giao dịch vi phạm điều cấm.
Luật sư Đức cho biết theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ và Công văn 3419/BNN-KL ngày 12-12-2007 hướng dẫn khai thác, vận chuyển, cất giữ gỗ rừng trồng nhóm IA: gỗ sưa được xác định là loài gỗ quý hiếm thuộc danh mục IA.
Như vậy, đây không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật theo Luật Di sản văn hóa.
Đối với loại gỗ này, được xem là tài sản được tìm thấy bị chôn giấu, chìm đắm, không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia nên theo điều 240 Bộ luật Dân sự (quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy): Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy.
Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Theo điều 16, điều 17 Nghị định 96/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ về việc chi thưởng, thanh toán phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam thì việc xác định giá trị tài sản được tìm thấy (để làm cơ sở chi thưởng cho người phát hiện) là phần còn lại sau khi đã trừ các chi phí hợp lý liên quan trong việc trục vớt, xử lý, bán tài sản tìm được...
Trong trường hợp phát hiện gỗ sưa của cha con ông Thời, ngoài việc được hưởng 10 tháng lương tối thiểu (quy định hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng), cha con ông còn được hưởng 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu.
Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí vận chuyển, bảo quản, xử lý tài sản, thuế, phí…
Đối với việc "đầu nậu" mua lại suất thưởng của cha con ông Thời, có thể xem đây là việc chuyển nhượng quyền tài sản gắn liền với nhân thân.
Theo quy định pháp luật dân sự thì cá nhân, tổ chức chỉ được chuyển nhượng quyền về tài sản, quyền trong hợp đồng, không cho phép chuyển nhượng quyền tài sản gắn liền với nhân thân.
Do pháp luật không cho phép cá nhân được quyền chuyển nhượng quyền tài sản gắn liền với nhân thân nên giao dịch giữa ông Hùng “mía” và cha con ông Thời trong trường hợp này là giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo điều 128 BLDS, giao dịch này là vô hiệu và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (điều 137 BLDS).
Theo Tuổi Trẻ