“Đại náo” Sài Gòn xe tự chế ngang nhiên qua lại

Google News

Tình trạng xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường phố gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm nhưng vấn đề xử lý triệt để vẫn còn bỏ ngỏ.

“Đại náo” khắp nơi
Ngày 17/5, ghi nhận trên nhiều tuyến đường ở TPHCM có khá nhiều xe tự chế chở sắt thép, tôn, gỗ… cồng kềnh “đại náo” trên nhiều tuyến đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Dọc các tuyến đường như Hoàng Sa (quận 1), đường 3/2 (quận 10), Hồng Bàng, Võ Văn Kiệt, Kinh Dương Vương (quận 5), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Võ Văn Ngân, Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức)…nhộn nhịp xe ba gác, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh. Để tránh lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), những phương tiện tự chế này luồn lách vòng vo qua nhiều tuyến đường nhỏ khiến người đi đường ái ngại.
“Dai nao” Sai Gon xe tu che ngang nhien qua lai
Nhiều xe thô sơ, ba gác chở hàng cồng kềnh “đại náo” đường phố TPHCM. Ảnh: Văn Minh. 
Tình trạng tương tự còn diễn ra ở khu vực quận 5 (TPHCM).
Ở vòng xoay Ngã Bảy (quận 10) vào trưa 17/5, một chiếc xe máy “cà tàng” chở các thanh nhôm vài gần 10m chạy vèo vèo vào khu vực vòng xoay khiến các xe khác phải “né”. Ông Hậu (50 tuổi, chạy xe ôm nơi đây) cho biết, khu vực này thường xuyên có những chiếc xe chở hàng như thế đi qua làm người đi đường hay bị quẹt té bởi những thanh sắt, thanh nhôm dài thòng như thế này.
Khó xử lý triệt để
Theo thống kê của Công an TPHCM, trên địa bàn TPHCM có hơn 24.000 xe 3,4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe của những người thuộc diện hộ nghèo.
Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TPHCM), hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn còn diễn ra tình trạng các phương tiện xe thô sơ, xe cơ giới 3,4 bánh hoạt động phức tạp. Trong đó nhiều phương tiện này là xe tự lắp ráp, không do cơ quan Nhà nước cấp đăng ký, bị thay đổi kết cấu phục vụ cho mục tiêu chuyên chở hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, các loại xe mù, xe thô sơ chở hàng quá tải, cồng kềnh gây bức xúc và người tham gia giao thông phản ứng rất gay gắt. Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an TPHCM tăng cường tuần tra xử lý xử phạt các phương tiện này nhưng theo ông Tường, việc xử phạt, thu giữ xe loại này chưa triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề sinh kế của các hộ gia đình nghèo. “Vì miếng cơm manh áo nên người ta không quan tâm đến an toàn giao thông mà chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế”- ông lý giải.
Ông Tường cho rằng cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe 3,4 bánh tự chế. Ngoài ra, cần tập trung vào khâu kiểm tra công tác thực hiện chuyển đổi nghề, thu hồi xử lý các phương tiện 3,4 bánh không được phép hoạt động theo quy định.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty luật Đức Chánh cho biết, Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì các xe ba gác, xe cà tàng chở hàng cồng kềnh sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu gây chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 với khung hình phạt cao nhất là từ 7 năm đến 15 năm.
Theo Văn Minh - Ngô Bình/Tiền phong