Chiều 28/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi họp liên ngành về công tác du lịch biển năm 2016, trong đó có nội dung liên quan đến tình hình cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng trong những ngày qua. Cuộc họp do ông ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì.
Trong chiều cùng ngày, Tổ công tác thông tin báo chí TP Đà Nẵng, đã có thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm nước biển Đà Nẵng.
|
Kết quả phân tích mẫu nước biển Đà Nẵng đều nằm trong giới hạn cho phép. |
Kết quả cho thấy, so với giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ “Vùng bãi tắm biển, thể thao giới nước” của QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì các thông số như: pH, DO (lượng oxy hòa tan trong nước), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ N (Amoni), Cr6+ (Crom 6), Pb (Chì), Hg (Thủy ngân), CN- (Xyanua) đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27/4 so với kết quả phân tích lượng nước biển ngày 17/4 và trong năm 2015 cho thấy cũng thấy không có sự biến động bất thường nào.
Cũng theo thông báo này, tại cuộc họp, Trung tâm Kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng) đã có báo cáo và kết quả kiểm tra, thực tế trên bờ biển, đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng chưa xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt như các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ.
Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật môi trường tiếp tục lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển và lập kế hoạch quan trắc sinh học chất lượng nước biển trong thời gian 30 ngày tiếp theo để tình hình, công bố 2 ngày 1 lần trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật môi trường kể từ ngày 28/4.
Trong hai ngày qua, đã xuất hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào bãi biển Phạm Văn Đồng và một vài bờ biển khác ở Đà Nẵng. Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử cán bộ đi thực tế kiểm tra tại các khu vực trên và có báo cáo bước đầu. Theo đó, chỉ có 17 con cá bị chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng đã phân hủy mạnh. Còn đối với các hộ nuôi lồng, bè hiện nay vẫn hoạt động bình thường.
Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, sau khi có thông tin về việc cá biển chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung, tâm lý chung của người dân là có chút e ngại khi ăn cá biển dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khai thác tại các chợ giảm mạnh.
Việc tiêu thụ sản phẩm khai thác của các tàu hiện gặp khó khăn do sản phẩm bán tại chợ đầu mối (tiêu thụ nội địa) giảm mạnh dẫn đến doanh thu của các tàu cũng giảm theo (giá bán sản phẩm cân xô cho nhà máy giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với bán tại chợ đầu mối). Do đó, Sở yêu cầu Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, nếu không có biện pháp hữu hiệu, việc ảnh hưởng yếu tố tâm lý sẽ khiến lượng khách đến Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do du khách đến Đà Nẵng là để tắm biển, thưởng thức hải sản, nhưng do ảnh hưởng của dòng hải lưu gây tâm lý sẽ không tránh khỏi tình trạng khách hủy tour hàng loạt. Đặc biệt, về lâu dài, không loại trừ tình trạng ô nhiễm ở vùng biển Bắc miền Trung lan tràn vào vùng biển Đà Nẵng gây ảnh hưởng đến các rạn san hô ven biển cũng như tình hình du lịch chung của các tỉnh ven biển miền Trung.
Mời độc giả xem video: Phóng viên VTC1 thông tin thêm về thực nghiệm cá chết sau 2 phút:
Ngọc Anh