Có thể phong tỏa tài sản của Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã?

Google News

Việc phong tỏa tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn có thể được thực hiện nếu chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có.

Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có thể thực hiện biện pháp phong tỏa tải sản của đối tượng bị khởi tố tội Cố ý làm trái, nhằm ngăn chặn việc Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản hay không?
Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Việc phong tỏa tài sản có thể thực hiện được vì bây giờ đã có quyết định khởi tố vụ án, bị can. Nhưng điều quan trọng là nếu muốn phong tỏa tài sản của ai đó thì phải chứng minh được số tài sản đó có được do phạm tội mà có”.
Vẫn theo ông Phương, cơ quan tố tụng cần phải trả lời được câu hỏi: Phong tỏa, kê biên tài sản để làm gì? Để làm được điều đó, cần chứng minh được một trong ba yếu tố sau: Tài sản là vật chứng vụ án, tài sản có được do phạm tội mà có và bị can có trách nhiệm dân sự trong vụ án.
“Nếu chưa chứng minh những được điều này thì chưa được phong tỏa, chứ không phải tùy tiện thấy có tài sản là phong tỏa” – ông Phương cho hay.
Co the phong toa tai san cua Trinh Xuan Thanh dang bi truy na
 Ngôi nhà tại Khu đô thị Quốc tế Ciputra - Nam Thăng Long nơi Trịnh Xuân Thanh đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo ông Phương, bị can Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố tội Cố ý làm trái, có gây thiệt hại, đó là trách nhiệm của anh ta. Muốn phong tỏa tài sản của bị can này phải chứng minh số tài sản đó là do tham ô mà có hay trong tội Cố ý làm trái, bị can có trách nhiệm dân sự. Khi đó sẽ cần áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản để sau này đảm bảo việc thi hành án hiệu quả.
Trong khi đó, Luật sư Trịnh Anh Dũng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Ông Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nghĩa là đã gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, thậm chí có thể điều tra để truy tìm tài sản của đối tượng.
Còn theo Luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc xác định tài sản của đối tượng bị khởi tố liên quan đến vụ án kinh tế, tham nhũng để phong tỏa, tránh tẩu tán gồm các loại sau. Đó là nguồn bất động sản, tài khoản ngân hàng, các tài sản không phải bất động sản đứng tên chính chủ, ví dụ như xe ô tô...
"Cơ quan điều tra phải xác minh đúng tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh mới kê biên được. Còn tài sản của vợ con ông Thanh, nếu xác minh được có liên quan cũng có thể kê biên được, sau này giải quyết sau” - Luật sư Lợi cho biết.
Theo luật sư Lợi, trong vụ việc này cơ quan điều tra hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản để tránh trường hợp tẩu tán.
“Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi thì có thể tiến hành các biện pháp kê biên tạm thời để tránh tẩu tán tài sản, chứ không phải kê biên để tịch thu. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh có tài sản ở nước ngoài mà nguồn tài sản đó được xác định do phạm tội mà có, muốn thu hồi khối tài sản trên cần phải xem ở các quốc gia nơi ông Thanh có tài sản có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hay không, nếu có sẽ ủy thác tư pháp để nhờ quốc gia họ làm” – Luật sư Vũ Văn Lợi cho biết.
Theo Dân Việt