Tuy nhiên sau lễ đâm trâu tế thần linh thì cuộc sống của họ càng đói nghèo, kiệt quệ. Tháng 4, khi những loài hoa gạo, hoa k'lung nở khắp rừng thì dân làng huyện vùng cao Sơn Tây chuẩn bị làm cây nêu, ủ rượu cần, chẻ củi tích trữ, mua heo, gà chuẩn bị lễ đâm trâu hiến tế thần linh.
Đâm trâu vì vợ, con đau ốm
Ngồi buồn hiu hắt bên ngôi nhà sàn sập xệ, ông Đinh Văn Lút (thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung) cho biết, sau lễ đâm trâu gia đình lâm cảnh trắng tay, không còn gạo ăn phải đi làm thuê gom góp tiền trả nợ.
Nhà nghèo nhưng do vợ, con thường xuyên đau ốm, làm ăn không được nên "cúng trâu" cầu thần linh phù hộ sức khỏe, may mắn.
|
Ông Đinh Văn Lút giơ hai bàn tay phân trần gia đình lâm cảnh kiệt quệ, nợ nần sau lễ đâm trâu. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Mình hứa với ông trời lâu rồi nên nghèo khó mấy cũng vay mượn đâm trâu chứ không làm thì thần linh trách phạt, sống không được đâu", ông Lút nói.
Đồng bào Kdong nơi đây quan niệm, khách đến "ăn trâu" càng đông thì thần linh càng phù hộ cho gia đình nhiều sức khỏe. Do vậy, vợ chồng ông Lút mời khoảng 500 khách (từ trẻ đến già) ở trong thôn và một số làng lân cận đến nhà ăn uống kéo dài nhiều ngày.
Vị chủ nhà thống kê, ngoài con trâu 4 tuổi là vật hiến tế lớn nhất, gia đình còn vay mượn mua thêm 5 con heo, 30 con gà, 1.000 lon gạo, ủ 30 ché rượu cần cùng hàng chục lít rượu chiêu đãi dân làng ăn uống.
Tương tự ông Lút, vợ chồng ông Đinh Văn Nhiếu (ngụ xã Sơn Dung) "trót" hứa với thần linh sau khi con bớt đau ốm nên phải làm lễ đâm trâu. Anh Đinh Văn Phước (con trai ông Nhiếu) cho biết khuyên can mãi mà nhưng cha anh vẫn quyết tổ chức lễ đâm trâu cúng tế, chiêu đãi bà con.
"Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng cha bảo lúc trước ông bà ăn đến 6 con trâu thì đến đời mình phải làm chứ không thì mắc tội với tổ tiên. Nghe cha nói vậy nên phận con cái phải nghe theo, với lại đây là tập tục của làng", anh Phước thổ lộ.
|
Hàng trăm dân làng, trong đó rất nhiều trẻ em tập trung dự lễ đâm trâu của gia đình ông Đinh Văn Nhiếu ở xã Sơn Dung. Ảnh: Minh Hoàng. |
Thống kê sơ bộ của các địa phương ở huyện vùng cao Sơn Tây, chưa đầy một tháng qua, ít nhất có 25 hộ dân làm lễ đâm trâu để hiến tế thần linh. Mỗi gia đình chi phí cho lễ này từ 50 đến 120 triệu đồng. Có một thực tế là hầu hết các gia đình làm lễ đâm trâu thuộc diện hộ nghèo, đối mặt với nhiều khó khăn.
Nghèo đến mấy cũng bỏ 100 triệu làm lễ
Dân làng tổ chức lễ đâm trâu từ khâu chuẩn bị vật dụng trang trí cây nêu, củi, lương thực, ủ rượu đến ngày lễ chính thức kéo dài đến gần nửa tháng.
Hàng trăm người tập trung đến gia đình ăn uống thỏa thích, vừa gõ cồng chiêng vừa nhảy múa vòng quanh con trâu buộc cố định vào cây nêu thâu đêm suốt sáng. Người nào uống say, mệt thì lăn ra nhà sàn ngủ, sau đó thức dậy tiếp tục ăn uống.
Ông Đinh Văn Lược (ngụ xã Sơn Tân) bộc bạch, những ngày diễn ra lễ thì dân làng tạm gác hết mọi công việc ở nhà ăn uống, vui chơi. Họ uống rượu kéo dài cả chục ngày, đôi mắt lúc nào cũng ngầu đỏ. Gia đình nào có người đau ốm hay từng có người ăn lá ngón tự tử chết đều phải đâm trâu hiến tế thần linh để xua đuổi "ma rừng" để không về quậy phá..
|
Mời dân làng uống rượu trong ngày lễ đâm trâu. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Con trâu giá 20 triệu, chủ nhà phải vay mượn thêm mua 5 con heo lớn, vài chục con gà, cả trăm lít rượu, vài tạ gạo... tổng cộng tốn cho lễ cả trăm triệu đồng. Con vật hiến tế ra đi, nợ nần ở lại chồng chất khiến họ lâm cảnh kiệt quệ, đói nghèo", ông Lược xót xa.
Bà Đinh Thị Hoa - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Dung cho hay, tục đâm trâu tồn tại lâu đời ở huyện vùng cao Sơn Tây. Chính quyền địa phương biết lễ hội này tốn kém nhưng đồng bào nơi đây không thể bỏ tục.
"Dân làng cho rằng đã hứa với thần linh thì phải làm, nghèo đến mấy cũng làm. Nếu thất hứa, họ lo sợ thần linh quở phạt thì đau ốm không bớt được'', bà Hoa nói.
Học sinh nghỉ học cả tuần... "ăn trâu"
Hàng năm đến dịp lễ đâm trâu kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch là "mùa nghỉ học" của học sinh ở huyện vùng cao Sơn Tây.
|
Học sinh nghỉ học ở nhà dự lễ đâm trâu khiến trường, lớp trống hoác. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cô giáo Đinh Thị Trường, giáo viên trường Tiểu học Sơn Dung than vãn, tục đâm trâu kéo dài khiến nhiều học sinh nghỉ học suốt cả tuần ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sơn Tây nhìn nhận, đồng bào nơi đây xem tục đâm trâu là "tín ngưỡng tâm linh" thấm sâu vào tiềm thức của bản làng nên họ khó bỏ được.
Cuộc sống quanh năm nghèo khó, người dân địa phương đến dự lễ đâm trâu như thể đón nhận niềm vui lớn chẳng khác gì ngày tết ở dưới xuôi được vui chơi, ăn uống no say thỏa thích.
"Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động thất bại, chúng tôi chỉ còn cách bố trí giáo viên dạy phụ đạo bổ sung phần kiến thức trong những ngày các em nghỉ học dự lễ đâm trâu", lãnh đạo ngành giáo dục huyện Sơn Tây thổ lộ.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây: "Đâm trâu không có gì là man rợ"
Ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cho biết, lễ đâm trâu là tập tục truyền thống của đồng bào Kdong từ lâu đời. Nhiều lần huyện Sơn Tây phân công các đoàn về tận các bản làng tuyên truyền, thậm chí đưa ra mức phạt răn đe nhưng bà con bảo không bỏ lễ đâm trâu được. Họ kiên quyết theo tục lệ này.
Người đứng đầu huyện Sơn Tây khẳng định, lễ đâm trâu là "cúng trâu" cầu mong sức khỏe không có gì là man rợ. Quan niệm của người dân là đâm trâu nhiều nhát mà con trâu vẫn sống thì chứng tỏ nó khỏe. Trâu càng khỏe thì các thành viên trong gia đình chủ lễ càng mạnh khỏe.
"Tháng 10/2014, gia đình tôi cũng từng làm lễ đâm trâu, đãi khách 60 mâm. Sau lễ, con gái tôi lấy chồng ở Hà Nội ba năm khó đường con cái liền mang thai. Con trai lấy vợ cũng có cháu trai đầu lòng. Dân làng bảo, có làm lễ đâm trâu nhận sự phù hộ của thần linh nên cuộc sống gia đình ngon lành, sáng sủa nên ai chẳng tin", vị Bí thư dẫn chứng.
Theo Zing