Trước thềm hội nghị, giới học giả cho rằng, ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết, thể hiện vai trò trung tâm của mình để giải quyết các căng thẳng trên
Biển Đông - vấn đề vốn không còn là song phương mà là vấn đề chung của khối.
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã, đang và có xu hướng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế. Đây là yếu tố gây mất ổn định, đe dọa tới hòa bình và tiến trình xây dựng cộng đồng chung ASEAN.
Tiến sĩ Arisman - Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Jakarta, Indonesia cho rằng, các nước ASEAN cần có phản ứng rõ ràng với Trung Quốc và quan điểm không phải là song phương mà của cả khối.
“ASEAN cần ngồi bàn thảo với Trung Quốc để Trung Quốc hiểu rằng ASEAN là một khối thống nhất. Một điều quan trọng và có tính chiến lược là Trung Quốc cần phải có sự tôn trọng về chủ quyền, về lợi ích quốc gia của từng nước thành viên ASEAN”, Tiến sĩ Arisman - Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hồi giáo Quốc gia cho hay.
|
Căng thẳng Biển Đông sẽ là vấn đề chính được thỏa luận tại các hội nghị ASEAN. |
Theo nhà phân tích chính trị Richard Heydarian - Đại học Tổng hợp Ateneo De Manila, cho dù Trung Quốc không chấp nhận cơ chế đa phương thì hiện ASEAN còn có nhiều cơ chế linh hoạt khác để giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. “Trung Quốc nói rằng vấn đề ở Biển Đông về bản chất là song phương, chứ không phải là đa phương.
Thế nhưng ASEAN đã nói rất rõ rằng đó là “lo ngại sâu sắc” cho cả khu vực và như vậy đó là bước thụt lùi về ngoại giao của Trung Quốc. Giờ theo tôi, các nước có thể cùng nhau hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á, Diễn đàn An ninh khu vực ARF theo hình thức hai bên, ba bên, bốn bên trong một nền tảng không chính thức linh hoạt, tập trung vào giải quyết vấn đề Biển Đông”, Richard Javad Heydarian nói.
|
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. |
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, việc cấp thiết là ASEAN và Trung Quốc cần phải sớm tiến hành tham vấn chính thức, thực chất và tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc COC. “Vấn đề đặt ra nữa là không để cho quá trình tham vấn COC trở thành quá trình bị lợi dụng để trì hoãn và tiến hành các hoạt động để thay đổi thực trạng. Đó là một hành động vi phạm DOC cũng như là một cản trở đối với việc sớm tiến tới COC”, ông Lê Lương Minh nhấn mạnh.
Với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 27 nước ASEAN và các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan sẽ là dịp quan trọng để vấn đề Biển Đông tiếp tục được thảo luận với mục tiêu cuối cùng là nhằm tạo ra môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực, làm cơ sở để ASEAN có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng vào cuối năm 2015.
Theo VTV