Ông Sự cho rằng, một chủ trương khi được đưa ra không áp đặt, không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích của cộng đồng thì nhất định sẽ được ủng hộ.
Thưa ông, chủ trương công chức, viên chức đi làm bằng xe đạp của TP.Hội An đang rất được dư luận quan tâm. Đây là ý tưởng nhằm nhiều mục đích, như bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khoẻ cán bộ, tiết kiệm kinh tế, tạo ra sự thân thiện với người dân và môi trương… Có phải đó chính là ý định của lãnh đạo TP.Hội An ?
- Đúng vậy, đây là chủ trương nhằm hướng đến nhiều mục đích. Như anh biết, Hội An là thành phố du lịch và chủ trương của thành phố là xây dựng Hội An thành thành phố du lịch - sinh thái – môi trường, vì vậy việc hạn chế bớt tiếng ồn trong đô thị luôn là yêu cầu cấp thiết và đó cũng là thực tế của Hội An bây giờ.
Bởi, Hội An đất chật, người đông, tình trạng xuống cấp của phố cổ, rồi phương tiện giao thông nhiều, trong khi đó nhu cầu đi lại ngày càng lớn… Nếu như không hạn chế được phương tiện giao thông hiện đại, chắc chắn rằng nay mai, Hội An sẽ bị tình trạng giao thông quá tải như các thành phố lớn… Và việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tai nạn giao thông... Chúng tôi phải đi trước để bảo vệ phố cổ, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của chính người dân mình.
Hơn ai hết, tôi là người con của vùng đất Hội An, tôi thấu hiểu được điều này. Việc phát động chủ trương cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp không những rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ, tiết kiệm được kinh tế, bảo vệ môi trường… mà còn thể hiện thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần.
|
Chiều 26.2, sau khi họp xong ở Cửa Đại, mặc dù đoạn đường từ đây về Thành ủy hơn 7km, nhưng ông Sự vẫn kiên trì đi xe đạp để về chủ trì một cuộc họp quan trọng của Thành ủy. |
Đặc biệt, đối với cán bộ công chức, đây còn là cách để quan sát thực tiễn kỹ hơn, gần dân hơn...
Thưa ông, ý tưởng này chắc là được ấp ủ đã lâu?
- Ý tưởng này được Hội An làm cách đây 16 năm rồi, khi đó Hội An tổ chức “Đêm phố cổ”, mỗi tháng tổ chức đi xe đạp một lần. Đồng thời cũng qua đây khuyến khích người dân, du khách đi xe đạp, đi bộ trong phố cổ... Từ chủ trương cấm các phương tiên có động cơ đi trong phố cổ 2 – 3 ngày trong tuần thì giờ đây người dân và du khách đi bộ hoặc đi xe đạp cả tuần rồi.
"Đã là cán bộ thì anh không thể nghèo đến nỗi không sắm được chiếc xe đạp chừng trên dưới 1 triệu đồng. Còn nếu như cán bộ, công chức nào thật sự không sắm được thì đích thân tôi sẽ cho mượn tiền, mặc dù tôi không giàu”.
Ông Nguyễn Sự
Để tạo sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, viên chức, Hội An sẽ triển khai chủ trương này như thế nào? Theo ông, đâu là điều khó nhất khi thực hiện ý tưởng này?
- Với chủ trương này chúng tôi sẽ triển khai ở Thành ủy trước, sau đó là tất cả cán bộ, công chức của UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn. Khi thực hiện xong ở các cơ quan nhà nước, chúng tôi sẽ triển khai tiếp để nhằm khuyến khích tất cả người dân và du khách đi lại trong đô thị Hội An bằng xe đạp…
Để thực hiện chủ trương này hiệu quả thì ngoài việc tự ý thức của mỗi cán bộ công chức, chúng tôi sẽ triển khai chung và đưa xuống từng cơ quan, đơn vị. Khi đó, các đơn vị sẽ tổ chức hội nghị dân chủ, người ta bình chọn, phân loại A, B, C… Chính cơ quan đó quyết, và giám sát. Thứ nữa là bản thân ai cũng có lòng tự trọng, người ta đi xe đạp tới cơ quan mà mình đi xe máy cũng thấy kỳ… vì vậy họ sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế. Điều quan trọng hơn cả là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, làm trước, chứ khi nói ra mà mình không làm thì người khác chẳng nghe…
Theo tôi, đi làm bằng xe đạp chẳng có gì khó khăn cả, trái lại còn rèn luyện thân thể tốt hơn, đầu óc minh mẫn hơn… Nếu trước đây tôi đi làm bằng xe máy từ nhà ở Cẩm Thanh lên cơ quan Thành ủy chừng 10 phút (khoảng 3km), nay đi bằng xe đạp mất hơn 15 phút, như vậy tôi phải tranh thủ đi sớm hơn… Điều quan trọng là chúng ta biết cách bố trí thời gian sao cho hợp lý, đồng thời làm việc nhiều hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.
Ông nghĩ sao với trường hợp cán bộ, công chức ở xa cơ quan, chẳng hạn như ở Cửa Đại mà lên thành phố 4-5km, rồi cán bộ ở xã Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên) qua Hội An công tác, hay như cán bộ ở Điện Bàn xuống làm việc... họ làm sao có thể đến cơ quan bằng xe đạp, thưa ông?
- Chủ trương này thành phố không ép buộc bất cứ ai và chỉ khuyến khích cán bộ và người dân đi lại trong nội thị Hội An bằng xe đạp càng nhiều càng tốt. Việc cán bộ ở xa (trên 3km) và các trường hợp đặc biệt khác có thể đi làm bằng xe máy. Tuy nhiên, những lúc công việc không quá gấp thì nên đi xe đạp tới cơ quan sẽ tốt hơn cho sức khỏe mình.
Ông nghĩ sao với những cán bộ thu nhập thấp giờ lại phải lo thêm một khoản để mua xe đạp? Và ông nghĩ sao đối với những cha mẹ đi làm tranh thủ đưa con đến trường, làm sao đi xe đạp có thể đèo con kịp giờ đến trường? Cách làm của Hội An liệu có là duy ý chí không?
"Cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp thể hiện thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần. Đặc biệt, đây còn là cách để cán bộ quan sát thực tiễn kỹ hơn, gần dân hơn...”.
Ông Nguyễn Sự
- Thực ra, đã là cán bộ thì anh không thể nghèo đến nỗi không sắm được chiếc xe đạp chừng trên dưới 1 triệu đồng. Còn nếu như cán bộ, công chức nào thật sự không sắm được thì đích thân tôi sẽ cho mượn tiền, mặc dù tôi không giàu (cười). Nhưng tôi nghĩ cán bộ không đến nỗi nghèo vậy đâu, xe đời mới 30 – 40 triệu đồng còn sắm được huống chi một chiếc xe đạp…
Đạp xe đi làm ở Hội An, tôi chẳng thấy có gì là ngược đời và duy ý chí cả. Mà tôi còn thấy đây là chủ trương đúng, bởi từ khi phát động đến nay, rất nhiều công chức cũng như người dân ủng hộ... Mặc dù đến ngày 25.3, Thành ủy mới triển khai chủ trương này, nhưng hiện nay đã có hơn 60% số cán bộ đi làm bằng xe đạp rồi. Hoặc như UBND thành phố hiện có trên 40% cán bộ đã hưởng ứng. Hay như cán bộ của Trung tâm Văn hóa – Thể thao; Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An đã hưởng ứng 100%. Đặc biệt, 100% cán bộ, công chức của phường Tân An từ nhiều năm nay họ đã đi làm bằng xe đạp rồi...
Tôi nghĩ, đi làm bằng xe đạp là một thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần. Một chủ trương chỉ gọi là duy ý chí khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khi nó đi ngược với lợi ích chung của thành phố. Còn ở đây là vì sự phát triển chung của Hội An, phù hợp với thực tiễn ở Hội An... Vậy nếu không có việc gì quá gấp gáp, chúng tôi khuyến khích người dân đi lại trong thành phố bằng xe đạp để giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời cũng là bảo vệ cho phố cổ và cho con cháu chúng ta sau này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Việt