Phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội lần thứ 8 ngày 7/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Việc thực hiện trật tự văn minh đô thị, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường rất được người dân ủng hộ. Đa số các quận, huyện làm tốt, nhưng còn có một số nơi làm hơi quá”.
Ông Hải cũng cho rằng việc quan trọng nhất là từng quận, huyện, phường, xã phải vận động để người dân tự trả lại vỉa hè. Đó là nội dung cần phải tiếp tục làm và giữ cho được.
Tại hội nghị, UBND Hà Nội đánh giá việc triển khai ra quân, quản lý vỉa hè, lòng đường một số nơi còn cứng nhắc, nóng vội như phá bục, chặt hạ cây xanh, vạch ranh giới không đủ để phương tiện xe máy… nên cần rút kinh nghiệm.
|
Bậc tam cấp ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa) bị phá, người dân phải bắc thang vào nhà. Ảnh: Lê Hiếu. |
“Việc quản lý vỉa hè lòng đường cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, địa phương, các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của nhân dân, phải thông báo với dân trước khi tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ”, báo cáo nêu.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, người dân xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) bức xúc việc lãnh đạo xã khi ra quân đòi lại vỉa hè đã cho đốn hạ hơn 70 cây xanh dọc tuyến đường liên thôn 3,5 km. Họ phản ứng dữ dội vì cho rằng, số cây xanh này tạo bóng mát và không ảnh hưởng đến giao thông toàn bộ tuyến đường.
Ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thừa nhận việc chặt hạ nhiều cây xanh là không đúng với tinh thần chỉ đạo của huyện và cho biết sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể.
Trong tháng 3, dọc tuyến quốc lộ 32, đoạn qua xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) hàng chục cây xanh cũng bị đốn hạ trong chiến dịch đảm bảo hành lang giao thông, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
|
Cây xanh bị đốn hạ trong quá trình đòi lại vỉa hè ở xã Đức Thượng (Hoài Đức). Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngày 30/3, phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến thành phố quý I/2017, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, đánh giá trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp.
Theo đó, một số đơn vị còn thực hiện chưa đúng với chủ trương của thành phố, một số việc thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, gây dư luận, phản ứng trong xã hội.
Tướng Khương chỉ rõ sự cứng nhắc này như việc phá dỡ bậc tam cấp không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm, thực tế địa bàn, không thông báo trước cho dân để chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ... gây khó khăn cho trong sinh hoạt của một số hộ dân.
Ngoài ra, Giám đốc Công an Hà Nội cung cho rằng các xã Cẩm Yên, Đức Thượng (như nêu trên) đã cứng nhắc trong việc giải quyết hành lang hè phố, chặt bỏ hết cây xanh bên đường.
"Sự cứng nhắc còn thể hiện ở việc kẻ vạch vôi trên hè phố, giải quyết vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến phố lớn. Các đơn vị chưa tập trung làm phố nhỏ, ngõ, ngách dẫn đến phức tạp về trật tự đô thị tại khu vực này", tướng Khương nói.
Hà Nội phải xem lại mình khi chỉ số PAPI thấp
Ông Hoàng Trung Hải cũng nêu vấn đề Hà Nội xếp cuối trong bản kết quả “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016" (PAPI).
Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 mới tăng thêm 10 bậc, thành phố vừa phấn khởi thì có kết quả PAPI vào nhóm cuối cùng (thứ 58/63 tỉnh, thành).
“Việc Hà Nội bị đánh giá chỉ số PAPI như vậy thì phải tự xem lại mình. Chúng ta phải bóc từng nội dung một ra để xem xét, đánh giá và khắc phục. Suy cho cùng, đó là những chấm điểm đưa ra cho chúng ta những tín hiệu để tự đánh giá mình, tự chấn chỉnh mình”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Thắng Quang/Zing