Chiều nay 27/10, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhi Lưu Lệ Thanh (8 tuổi, tỉnh Bình Phước) bị chó cắn nát mặt rất thảm thương.
Theo hội chẩn ban đầu, các bác sĩ xác định bé có khoảng 15 vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu, trầm trọng. Một vết thương kéo dài từ khóe miệng phải đến trên mang tai dài 12cm, sâu thấy răng và xương. Một vết thương dưới mi phải may mắn không đi vào nhãn cầu, hai vết thương gần thái dương. Ngoài ra, còn nhiều vết cào cấu.
|
Bé Thanh bị chó cắn nát mặt. (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Người nhà của bé Thanh cho biết, trưa 26.10, con chó lai nhà nuôi nặng khoảng 20kg ra đường và trở về với vết thương ở chân. Thấy con chó bị thương, bé Thanh chạy lại ôm chân chó. Con chó đau nên quay lại và cào cắn vào trúng mặt cô bé.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình lập tức đưa bé Thanh xuống Viện Pasteur TP.HCM tiêm ngừa, sau đó chuyển qua BV Nhi Đồng 1 để khâu vết thương. Tại BV Nhi Đồng 1, trong một giờ đồng hồ, 3 y bác sĩ liên tục rửa vết thương cho bé và hôm nay bé được khâu lại.
"Tổng cộng có 7 sợi chỉ với tổng chiều dài 7,5 mét được khâu cho bé với trên 200 mũi khâu. Sau đó bé được dán các mũi khâu bằng keo", bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho biết.
Trước đó, sáng 6/10, một bé trai ở Củ Chi tên là Trần Trường Thịnh (3 tuổi) cũng bị chó cắn nát mặt phải khâu hơn 200 mũi. Bé Thịnh gặp nạn khi đang ngồi chơi trước nhà.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa bé đến BV Đa khoa khu vực Củ Chi cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bé được đưa đến Viện Pasteur TP.HCM để chích ngừa và đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để khâu lại vết thương.
Theo bác sĩ Đẩu, chỉ trong 2 tháng gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn thương tâm. Vì vậy, các gia đình có nuôi chó phải cẩn thận và để chó tránh xa trẻ em. Chó nuôi phải được nhốt và tiêm phòng. Khi thả chó phải khóa mõm. Trường hợp bị chó đã tiêm phòng cắn thì vẫn phải đưa bệnh nhân đi tiêm, bác sĩ Đẩu khuyến cáo.
(Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết)
Theo Báo Mới