Sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 1 đột ngột đổi hướng nhắm thẳng vào Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của cơn bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 7. Tính đến hồi 14h ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển tỉnh Quảng Ninh khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10 - 11.
|
Tàu thuyền tránh bão tại cảng Cái Rồng (Ảnh: Hải Ninh). |
Để phòng chống bão Kujira, ngay trong sáng 23/6, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND về chủ động các biện pháp phòng chống cơn bão số 1.
Theo nội dung công điện, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi về các nơi neo đậu trú tránh an toàn; sơ tán dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên đất liền an toàn ở các khu vực: từ Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô đến Móng Cái; Tổ chức đảm bảo an toàn cho các hầm lò, cầu tàu, bến cảng, các khu du lịch. Các địa phương chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức kiểm soát người qua lại trên các tuyến đường ngầm, đường bị ngập, qua sông suối để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh duy trì lực lượng trực ban cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Ngay khi nhận được công điện của UBND tỉnh Quảng Ninh, các địa phương trong tỉnh này đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
|
Người dân đang gia cố lại các công trình đang dựng dở để tránh bão (Ảnh: Hải Ninh) |
Tại Hạ Long, các đơn vị kinh doanh tàu Du lịch, tàu vận tải, tàu cá đã thông báo cho các tàu tìm nơi neo đậu an toàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng liên quan liên tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền kể kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Theo quan sát của PV Kiến Thức, tại các phường trên địa bàn, người dân cũng đang chủ động phòng, tránh ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất. Nhiều dự án xây dựng trên địa bàn cũng đã được ra cố, thu dọn thiết bị để phòng chống bão. Tuy nhiên, trên một số bãi biển, người dân du khách vẫn tắm biển, bất chấp cơn bão đang đến gần.
|
Tuy nhiên đến 14h30 ngày 23/6, trên bãi biển ở Bãi Cháy, vẫn còn nhiều du khách thản nhiên tắm biển. (Ảnh: Hải Ninh) |
Tại Móng Cái, các tàu thuyền cũng đã được thông tin về bờ tránh bão. Các xã phường đang khẩn trương triển khai công việc liên quan đến phương án phòng chống lụt bão, cây xanh được cắt tỉa, bảng hiệu quảng cáo, đèn trang trí được tháo dỡ, nhiều biện pháp cần thiết cũng đang được triển khai. Người dân nơi đây cũng gia cố lại nhà cửa để tránh thiệt hại khi bão về.
Tại huyện đảo Vân Đồn, công tác phòng chống bão lũ đang được khẩn trương tiến hành. Tại cảng Cái Rồng, nhiều tàu đã về neo đậu từ sáng. Các tàu khách từ Cái Rồng ra đảo Minh Châu cũng dừng chở khách. Người dân xã đảo Minh Châu đang tích cực gia cổ nhà cửa để phòng chống bão. Các lều quán trên bãi biển Minh Châu cũng đã được thu dọn cẩn thận, du khách đã ngưng xuống tắm biển.
Công tác phòng chống bão tại huyện Cô Tô cũng đang được tiến hành, các Đồn biên phòng đảo Trần; Thanh Lân và Đồn Biên phòng Cô Tô tổ chức bắn pháo hiệu, tuần tra, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Hầu hết các phương tiện đánh bắt trên vùng biển Cô Tô đã nhận được thông tin, vào nơi tránh trú an toàn tại khu vực vụng kho gạo, âu tầu. Nhiều lều quán tại khu vực bãi biển cũng được di rời. Với du khách bị kẹt do tàu cấm hoạt động cũng đã được bố trí ăn nghỉ, lưu trú qua bão.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật...
Hải Ninh