Chiều 21/3, bác sĩ Y Tâm - người tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân trong vụ nữ sinh lớp 10 bị cưa chân đã trao đổi với phóng viên. Cùng gặp trao đổi với chúng tôi có bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - giám đốc, bác sĩ Trịnh Đức Lam - phó giám đốc kiêm trưởng khoa ngoại của bệnh viện này.
“Tôi chịu áp lực rất lớn”
Mở đầu buổi trao đổi, khá căng thẳng và mệt mỏi, bác sĩ Y Tâm nói: “Tôi xin lỗi bệnh nhân Vi và người nhà. Đây là việc xảy ra ngoài ý muốn. Từ trước đến nay tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy. Sau khi xảy ra sự việc, tôi chịu áp lực rất lớn”.
Bác sĩ Trịnh Đức Lam cho biết khi đã xảy ra sự việc, bản thân ông rất day dứt: “Những day dứt đó lan truyền cả gia đình, dòng họ. Anh em bà con đến chia sẻ, bạn bè học cùng, thậm chí bệnh nhân mình đang điều trị nghe tin cũng hỏi: Bác có bị sao không?”.
|
Bác sĩ Trịnh Đức Lam (trái) và bác sĩ Y Tâm trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 21/3. |
Là bác sĩ trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Hà Vi, bác sĩ Y Tâm kể lại quá trình từ lúc Vi bị tai nạn giao thông và được người nhà đưa vào viện ngày 6-3 trong tình trạng tỉnh táo đến lúc bó bột xong. Đến 8g ngày 7-3, trưởng khoa cùng ông đi khám và chỉ định của trưởng khoa là rạch bột, hội chẩn...
Cũng theo bác sĩ Y Tâm, đến ngày 8-3 khi rạch bột cho bệnh nhân để đưa lên phòng mổ thì thấy chân của Vi sưng và nổi mụn nước.
“Sau đó tạm hoãn mổ và chuyển về khoa điều trị tiếp. Ngày thứ tư của bệnh, chân bệnh nhân nổi phồng nước. Tôi khám vẫn thấy mạch máu rõ, ngón chân hồng hào, bệnh nhân không kêu đau. Đến ngày thứ năm, bạn bè đến thăm bệnh nhân vẫn tiếp xúc bình thường. Đến ngày thứ sáu, nghe người nhà xin làm thủ tục chuyển viện thì tôi chuyển viện. Sau đó nghe thông tin tôi mới biết chuyện xảy ra ngoài ý muốn như thế này”.
“Tuyến huyện
không đánh giá được”
Đề cập tình trạng của bệnh nhân Vi hiện nay, bác sĩ Lam nói mấy ngày nay ông mất ăn mất ngủ vì đây là một “cái án” quá lớn, ông không thể tưởng tượng ra được. Ông kể sáng hôm ông đi thăm bệnh, ông hỏi thì Vi bảo cũng đau ít thôi và khi khám chân bệnh nhân ông thấy cũng không sưng nề gì đặc biệt.
Tuy nhiên, bác sĩ Lam nhìn nhận: “Về chuyên môn, ở tuyến huyện không đánh giá được. Tôi nhìn nhận như vậy chứ không giấu giếm. Tôi tự trách mình là tại sao yếu kém thế, không tiên lượng được cái này. Nếu gặp trường hợp này thường xuyên là phải chuyển viện ngay rồi”.
Bác sĩ Lam cũng nói sau sự việc đau lòng này, ông sẽ thường xuyên cập nhật kiến thức, xin tuyến trên hỗ trợ về chuyên môn để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm nói bệnh viện đang thiếu nhiều bác sĩ, phải có 10 bác sĩ nữa mới phân công đủ.
Theo bác sĩ Tâm, bác sĩ phải làm việc 24/24 giờ cũng là một nguyên nhân dẫn đến những sơ suất chuyên môn ngoài ý muốn... Bác sĩ Tâm cũng trình bày hiện tại bệnh viện có những khó khăn là kinh phí có hạn, trong khi thiết bị xuống cấp phải sửa chữa, nâng cấp.
Về những giải pháp hạn chế trường hợp tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm cho biết lãnh đạo bệnh viện có những biện pháp trước mắt và lâu dài.
Trước mắt sẽ nhắc nhở nhân viên phải làm đúng quy trình của bệnh viện và Bộ Y tế quy định. Không được lơ là trong công tác tiếp đón, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Khi có dấu hiệu bệnh dự đoán xấu phải mời hội chẩn để tập thể lãnh đạo quyết định và nếu thấy không điều trị được phải chuyển lên tuyến trên.
Về lâu dài, lãnh đạo bệnh viện sẽ có kế hoạch đề nghị bố trí thêm nhân lực.
Mời độc giảm xem video: Bệnh viện tắc trách, nữ sinh lớp 10 phải cưa oan một chân gây phẫn nộ:
Thiếu nhân sự, bệnh nhân quá đông
* Bác sĩ có thể cho biết bằng cấp chuyên môn và quá trình đào tạo của mình?
- BS Y Tâm: Tôi là một bác sĩ đa khoa, chưa có chuyên môn về chấn thương chỉnh hình. Trong quá trình làm việc, từ xưa đến nay vẫn diễn ra bình thường và lần này chuyện xảy ra ngoài ý muốn.
* Bác sĩ có hay gặp những trường hợp như bệnh nhân Vi không?
- Trong trường hợp những ca gặp như vậy tôi cũng bó bột. Bệnh nhân này đặc biệt, diễn biến phức tạp. Là bác sĩ đa khoa, tôi không đánh giá được.
* Khó khăn lớn nhất mà bác sĩ đang gặp phải là gì?
- Khó khăn nhất hiện nay là nhân sự thiếu, bệnh nhân quá đông nên không thể quán xuyến hết tất cả bệnh nhân được. Phải có thêm nhiều nhân lực nữa mới quán xuyến được.
Theo Tuổi trẻ Online