|
Anh hùng lao động Hồ Giáo lúc 80 tuổi khi còn chăm sóc đàn trâu Mura - Ảnh: M.T. |
Ông ra đi để lại sự tiếc thương trong người thân, bạn bè và những người yêu quý.
Anh hùng lao động Hồ Giáo quê xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V và VI. Ông là người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Anh hùng lao động hai lần vào các năm 1966 và 1986.
Cuộc đời ông là một sự cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi.
Ông là nguồn cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Gặp anh Hồ Giáo vào năm 1972, hay nhân vật Nhẫn trong tác phẩm Cỏ non của nhà văn Hồ Phương.
Nhiều thế hệ học trò đã ngưỡng mộ hình ảnh của Anh hùng lao động Hồ Giáo. Ông cũng đi vào âm nhạc với ca khúc Bài ca anh hùng Hồ Giáo.
Anh hùng lao động Hồ Giáo tham gia Việt Minh tại quê nhà từ năm 1948. Năm 1954 ông tập kết ra miền Bắc, ở sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội. Năm 1960 ông chuyển sang làm chăn nuôi ở Nông trường Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Tại đó, ông nuôi heo năm năm, sau đó chuyển sang nuôi bò. Nhờ những thành tích trong chăn nuôi như thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh heo, bò, năm 1966 ông được phong Anh hùng lao động.
Năm 1976 ông chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé. Năm 1977 ông chuyển sang chăm sóc đàn trâu Mura do Ấn Độ tặng VN. Đến năm 1986, một lần nữa ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi đàn trâu Mura ông dày công chăm sóc và nhân giống đã lên đến hàng nghìn con.
Năm 1990, ông Hồ Giáo nghỉ hưu, về quê nhà Quảng Ngãi sinh sống và tiếp tục được Nhà nước giao nhiệm vụ, mãi đến năm 80 tuổi ông mới chính thức nghỉ hưu.
Theo Tuổi Trẻ