Chiều 9/7, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Sở Y tế Hà Nội đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khen thưởng cho 18 y, bác sỹ và 1 sinh viên học việc đã cứu sống một phụ nữ bị băng huyết nhiễm HIV.
Ca phẫu thuật được tiến hành gấp nên nhiều y bác sỹ không kịp sử dụng các phương tiện phòng chống lây nhiễm HIV, phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm virus này. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm được công bố chiều nay cho thấy, cả 19 y, bác sỹ vừa nêu đều âm tính với HIV.
|
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khen thưởng cho các y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
|
Ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1979, ở Quảng Yên, Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị băng huyết, mất nhiều máu. Lập tức bệnh nhân được ép tim, hồi sức, xét nghiệm và tiến hành mổ cấp cứu để cắt hoàn toàn tử cung ngay tại khoa cấp cứu.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: lúc đó, bệnh nhân có thể tử vong tức thời, không kịp chuyển lên phòng mổ nên phải phẫu thuật ngay tại phòng cấp cứu; tính mạng bệnh nhân đặt lên hàng đầu nên không thể chờ kết quả xét nghiệm và nhiều y, bác sỹ không kịp trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân.
Hơn 10 phút tiến hành phẫu thuật, các thầy thuốc mới biết bệnh nhân này nhiễm HIV khi có kết quả xét nghiệm: “Trang thiết bị bảo hộ của bệnh viện không thiếu nhưng ca mổ thực hiện tại phòng cấp cứu, chứ không phải mổ tại phòng mổ, vì tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, không kịp chuyển lên phòng mổ.
Trước một người bệnh đang“ngáp cá” chỉ ít phút nữa là tử vong (không đo được huyết áp, không đo được mạch, da trắng nhợt, tim đập rời rạc, miệng đã ngáp rồi, sắp tử vong, chỉ sau ít thời khắc thôi) thì thầy thuốc không thể đợi để đi găng, đi ủng, tạp dề được. Nếu thầy thuốc nghĩ đến việc an toàn cho mình thì bệnh nhân sẽ chết. Bệnh nhân được cứu sống là nhờ bản năng nghề nghiệp và tinh thần quả cảm của thầy thuốc”.
Sau khi được xác định có nguy cơ phơi nhiễm HIV, 19 thầy thuốc ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được xét nghiệm máu và được uống thuốc phòng ngừa. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 19 người đều âm tính với HIV. Tuy nhiên, theo quy định, 19 thầy thuốc này tiếp tục được xét nghiệm 3 lần nữa sau 1 tháng, 3 tháng và sau 6 tháng để khẳng định chắc chắn có bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân hay không.
Bác sỹ Bác sỹ Nguyễn Nhật Hoan, khoa Gây mê hồi sức- người không kịp sử dụng phương tiện bảo hộ khi cấp cứu bệnh nhân HIV cho biết: “Lúc đầu chúng tôi không biết bệnh nhân nhiễm HIV, sau khoảng 10 phút thì có thông báo của phòng xét nghiệm là bệnh nhân bị nhiễm HIV, lúc đó cũng hơi sững sờ trước thông tin này, nhưng ca mổ vẫn đang tiến hành nên chúng tôi tiếp tục công việc cho đến khi ca mổ thành công. Ngay lập tức chúng tôi cũng có những biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng. Sau đó, lãnh đạo bệnh viện liên hệ với Bộ Y tế để được uống thuốc phòng ngừa”
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng: các y, bác sỹ đều có nguy cơ phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân vì hiện nay cả nước có hàng trăm nghìn bệnh nhân HIV/AIDS, chưa kể những người chưa được phát hiện và không biết mình mắc bệnh. Việc các thầy thuốc sẵn sàng cứu người bệnh là việc làm lâu nay diễn ra thường xuyên.
Việc nhiều y, bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không kịp sử dụng các phương tiện bảo hộ khi cấp cứu cho bệnh nhân HIV lần này là trường hợp bất khả kháng. Ông Hoàng Đình Cảnh cũng cho biết, khả năng lây nhiễm HIV cũng không cao vì bệnh nhân này đang được điều trị bằng thuốc ARV để kháng virus HIV nên tải lượng virus trong máu không cao: “Cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh hàng ngày, không chỉ mỗi bệnh HIV mà còn nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác như SARS, Mers-CoV, viêm gan virus…
Khi chăm sóc điều trị bệnh nhân, người cán bộ y tế phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh”.
Việc này, từ lâu Bộ Y tế cũng đã có quy định rất rõ. Tuy nhiên, trong cuộc sống có những trường hợp bất khả kháng, có những người cứu hộ phải lao vào lửa để cứu người mà không kịp sử dụng phương tiện bảo hộ; người thầy thuốc cũng thế, trong những tình huống khẩn cấp thì có thể do bản năng nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao nên họ lao vào cứu bệnh nhân khi không kịp sử dụng dụng cụ bảo hộ”.
Tuy nhiên, qua trường hợp cụ thể tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy, khoa cấp cứu của các bệnh viện cần trang bị và sẵn sàng các phương tiện bảo hộ cho y, bác sỹ để chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp.
Theo VOV