Việc tỷ phú Mỹ Todd Waneck, Tổng giám đốc hãng nội thất Ashley mở chi nhánh ở Việt Nam mới đây càng khẳng định thêm xu hướng khai thác thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, vào cuối tháng 7 ở Mỹ, ông Todd Waneck đã bàn kế hoạch hợp tác song phương với Công ty Nội thất Phố Xinh với giá trị hợp đồng lên tới 10 triệu USD. Tháng 11 tới, ông Todd Waneck sẽ trở lại Việt Nam để công bố chính thức việc hợp tác này.
|
Todd Wanek (ngoài cùng bên phải) cùng ông Dương Quốc Nam (giữa) trong chuyến làm việc tại Việt Nam. |
Theo kế hoạch, trung tâm phân phối sản phẩm của Ahsley sẽ được mở vào đầu năm 2014, bao gồm một chuỗi cửa hàng từ Bắc vào Nam và các gian trưng bày nằm trong các siêu thị của công ty này.
Ahsley là công ty chuyên sản xuất nội thất, hiện đã có nhà máy sản xuất đồ nội thất và một cửa hàng chính hãng tại Long Biên (Hà Nội). Chủ sở hữu của công ty này là 2 cha con Ron và Todd Wanek, từng lọt top 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn với khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông Todd Wanek từng sống ở châu Á trong nhiều năm và được giao phụ trách các hoạt động quốc tế của hãng hơn 20 năm nay.
Trước tỷ phú Todd Wanek, tỷ phú David Bonderman, một trong 2 nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư TPG Growth, một trong những công ty đầu tư vốn tư nhân lớn nhất của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam. Hình thức mà tỷ phú này đầu tư là rót tiền vào các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam và đang hoạt động tại Việt Nam.
|
Tỷ phú David Bonderman, người sáng lập Quỹ đầu tư TPG. Ảnh: VTV |
Từ cuối năm 2006, TPG đã đến Việt Nam với khoản đầu tư 36,5 triệu USD vào Công ty FPT dưới dạng mua cổ phiếu mới phát hành. 6 tháng sau khi hết hạn phải nắm giữ cổ phiếu, TPG lập tức thoái vốn, thu về khoản lợi nhuận gấp khoảng 3, 4 lần giá trị đầu tư ban đầu. Sau đó, cuối năm 2009, TPG đầu tư 35 triệu USD vào Công ty cổ phần tập đoàn Masan. Chưa đầy 3 năm sau, giá trị đầu tư của TPG tại Massan đã tăng tới 5 lần.
Tháng 7 vừa qua, TPG đã chi 50 triệu USD (tương đương khoảng 1.061 tỷ đồng) để mua lại 49% cổ phần của Công ty TNHH Hoa Mười Giờ (một công ty con của Masan, sắp tới sẽ chuyển tên thành Masan Agriculture). Sau thương vụ này, Masan còn sở hữu 51% vốn tại Masan Agriculture. Với giao dịch này, TPG đã hiện thực hóa cam kết của họ trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Tỷ phú David Bonderman cho biết, ông chọn Việt Nam vì khu vực này ngày càng hấp dẫn để đầu tư. "Việt Nam là quốc gia với gần 100 triệu dân, tăng trưởng tương đối nhanh và chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân", ông David Bonderman nói.
"Trong hầu hết các trường hợp chúng tôi đều có thể hỗ trợ các công ty phát triển tốt hơn thông qua khoản đầu tư của quỹ chúng tôi. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ đâu cũng thế, tất nhiên là không phải mọi khoản đầu tư đều mang lại kết quả hoàn hảo, nhưng ở Việt Nam chúng tôi đã rất may mắn, các khoản đầu tư đều rất hiệu quả. Có được kết quả này vì chúng tôi đã có sự phối hợp tốt với đội ngũ quản lý của các công ty mà chúng tôi đầu tư vào", tỷ phú David Bonderman trả lời trên Bản tin Tài chính Kinh doanh của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Việc tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Việt Nam, cũng là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc mua lại này được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan). Lời đồn đoán về thương hiệu bán lẻ này của Nhật sắp rút khỏi thị trường đang dần trở thành hiện thực khi một số cửa hàng FamilyMart tại TP.HCM đã được đổi tên thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC).
|
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi |
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 2 Thái Lan, sở hữu nhiều tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn BJC (lĩnh vực đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... ), và TTC Land (lĩnh vực bất động sản). Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, tập đoàn chuyên đi thâu tóm bất động sản này đang nắm giữ 65% cổ phần khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.
Tới đầu năm 2013, tập đoàn BJC tiếp tục chi 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, năm 2008, tỷ phú người Thái này còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, chuỗi nhà hàng này cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.
Nhiều tỷ phú Thái Lan đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ông Vikrom Kromadit - người sáng lập Tập đoàn phát triển hạ tầng khu công nghiệp Amata Corp của Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam sau khi đã thành công với dự án Khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai. Vị này cũng xác nhận Amata đang theo đuổi dự án phát triển khu đô thị công nghiệp mới tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô lớn. Ngoài ra, hiện Amata Việt Nam cũng đang phát triển khu thương mại tại khu công nghiệp Amata hiện hữu ở thành phố Biên Hòa.
Công ty cổ phần Amata Việt Nam là một liên doanh giữa Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa và Bangpakong Industrial Park 2 Company (Thái Lan). Amata đã đầu tư 60 triệu đôla Mỹ vào Việt Nam.
Ở một lĩnh vực khác, tại lễ công bố khởi động dự án lọc - hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) ngày 15/8 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT giới thiệu một nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn là "Hoàng thân, tỷ phú Ảrập Xêút" - Thureign Augn. Cùng với danh hiệu "hoàng thân, tỷ phú", ông Thureign Augn cũng được giới thiệu là chủ tịch một ngân hàng mang tên Hypo Commerce Bank.
|
"Tỷ phú Ả Rập" Thureign Aung (thứ 2, từ phải sang) |
Hiện tại, PTT sẽ góp 40% vốn vào dự án lọc - hóa dầu Nhơn Hội, số vốn còn lại sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư các đối tác tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản trong đó sẽ ưu tiên cho các đối tác tại Việt Nam. PTT được biết đến là doanh nghiệp có nền tảng vững chắc về hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu và hóa dầu, công suất lọc dầu hơn một triệu thùng mỗi ngày và 13,5 triệu tấn olefins, dầu hóa dẻo, các sản phẩm hạ nguồn hóa dầu. Ngoài bộ phận tiếp thị dầu và bộ phận kinh doanh quốc tế, PTT còn có một công ty bán hàng, tiếp thị riêng cho một số lĩnh vực ngành nghề trên thị trường tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Danh sách những doanh nghiệp, tỷ phú nước ngoài đầu tư ở Việt Nam sẽ kéo dài hơn nữa khi mà thị trường trong nước đang có nhiều chính sách có lợi cho việc tham gia đầu tư này.
Minh Phương (Tổng hợp)