Trong dịp kỉ niệm 1 năm ngày cưới mới đây, Tóc Tiên đã diện lại chính chiếc váy năm xưa, khoe nhan sắc rạng rỡ. Đáng nói là để có chiếc váy cưới đẹp tinh tươm, Tóc Tiên đã gửi váy sang tận Mỹ để giặt hấp.
Cô cho biết ở Việt Nam, không tiệm giặt nào dám nhận vì sợ làm hư phom dáng và chất vải.
Mẫu váy cưới mà Tóc Tiên đã diện là thiết kế nằm trong BST Xuân 2020 của nhà mốt Vivienne Westwood. Mẫu váy này không bán sẵn mà phải đặt may riêng và có giá khởi điểm khoảng 140 triệu đồng.
Cũng một phần vì lý do này mà Tóc Tiên rất chú trọng đến việc bảo quản váy, chịu chi gửi váy sang tận Mỹ để giặt hấp, mất gần 1 năm váy mới về lại Việt Nam. Nữ ca sĩ không tiết lộ mình bỏ ra bao nhiêu tiền nhưng chắc chắn rằng đó là con số không hề nhỏ.
Tại Mỹ, có những thương hiệu chuyên phụ trách việc giặt hấp, làm sạch những món đồ hàng hiệu đắt đỏ. Đơn cử như dịch vụ giặt là dành cho giới nhà giàu Jeeves New York.
Thương hiệu này chuyên phục vụ giặt là những món trang phục hàng hiệu đắt đỏ của những vị khách thuộc giới siêu giàu như ngôi sao nổi tiếng, tài phiệt...
Với những món trang phục hàng hiệu cơ bản, giá giặt khô dao động từ khoảng 1 triệu - 60 triệu đồng. Với những món đồ cầu kỳ, nhiều chi tiết như áo khoác, váy dự tiệc thì giá từ 4 triệu đến 470 triệu đồng. Với váy cưới, giá giặt là khô khoảng từ 10 - 600 triệu đồng.
Ngoài ra tùy vào tình trạng của trang phục, sự phai màu, các vết ố cứng đầu thì phí giặt là cũng có thể bị độn thêm từ 250.000 đến 25 triệu đồng. Còn với những trang phục có nhiều chi tiết đính kết cầu kỳ, yêu cầu giặt tay thì mức phí độn thêm có thể lên tới 240 triệu đồng.
Jerry Pozniak, chủ sở hữu của Jeeves New York, từng chia sẻ những vết bẩn trên quần áo phổ biến nhất thường là rượu vang, thức ăn, đồ trang điểm… Thậm chí có những chiếc váy còn bị nấm mốc do không được bảo quản tốt.
Công ty của Pozniak từng nhận được yêu cầu làm sạch những bộ cánh có giá trị đắt đỏ như váy cưới Oscar de la Renta trị giá 580 triệu đồng; váy cưới Chanel trị giá gần 12 tỷ đồng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị