Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên được coi là "cha đẻ" của thương hiệu cà phê Trung Nguyên và mang được sản phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới.
Thôi thúc làm giàu vì thương cha mẹ
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Trải qua tuổi thơ thiếu thốn, năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút.
Chứng kiến cảnh cha bị bệnh nặng, chỉ cần 2 triệu đồng chữa trị mà vay mượn cả đại gia đình cũng không đủ, cậu con trai 16 tuổi - Đặng Lê Nguyên Vũ đã thề với lòng: “Một ngày nào đó mình sẽ thay đổi cuộc sống của cả đại gia đình này!”.
Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống. Những năm 1990, thầy cô và các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên không ai không biết đến Đặng Lê Nguyên Vũ, chàng sinh viên với nhiều ước mơ và hoài bão vượt ra phạm vi đất nước. Nhận ra ngành Y không thể đáp ứng được ước mơ và tham vọng của mình, năm thứ ba đại học, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định nghỉ học và đón xe vào TP.HCM để tìm kiếm cơ hội. Ra đi với hành trang duy nhất là tên và địa chỉ của một người chú chưa từng biết mặt, Nguyên Vũ tự hứa sẽ không trở về nhà cho đến khi sự nghiệp vững vàng.
Nhận được nhiều lời khuyên chân thành từ người chú, Nguyên Vũ đồng ý trở lại trường nhưng vẫn nung nấu ý tưởng kinh doanh, làm sao để cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được thế giới biết đến.
Nguyên Vũ đã cùng ba bạn học cùng lớp bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Vào ngày nghỉ, Nguyên Vũ cùng các bạn lặn lội đến các thương gia cà phê nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành năn nỉ, thuyết phục họ truyền nghề. Lâu dần, Nguyên Vũ cũng tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng về cà phê.
Năm 1996, ông cùng ba bạn học lập nên "Hãng Cà phê Trung nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang bằng tay cũ kĩ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Ma Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác.
Sau lần thất bại tại thị trường Long Xuyên, ngày 20/8/1998, Nguyên Vũ cùng các cộng sự khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và điều chinh phục các khách hàng là hương vị riêng của cà phê Trung Nguyên, nó khác với tất cả các loại cà phê khác.
Cũng trong năm 1998, trên đường Điện Biên Phủ - Pasteur, Quận 3, TP.HCM xuất hiện một quán cà phê thứ hai mang thương hiệu Trung Nguyên.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên Nguyên Vũ ra nước ngoài và chọn điểm đến là Singapore. Đứng trước một đất nước xinh đẹp, lòng tự hào dân tộc trong Nguyên Vũ lại trỗi dậy. Người thanh niên trăn trở, phải làm sao quảng bá được giá trị văn hóa Việt ra nước ngoài, làm thế nào để cùng chung sức xây dựng hình ảnh quốc gia, xác lập niềm tự hào dân tộc bằng những thương hiệu Việt mang tầm quốc tế.
Năm 2002, nhận thấy đã đến lúc Trung Nguyên phải ra khỏi Việt Nam, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường, Đặng Lê Nguyên Vũ đầu tư 3 triệu USD để hoàn chỉnh hệ thống bảng hiệu, khẳng định giá trị của thương hiệu bằng cách thuê luôn một hãng tư vấn đặt tại New Zealand, đồng thời để hoạt động kinh doanh nhượng quyền được chuyên nghiệp, nhất quán hơn và đảm bảo tính đồng nhất của thương hiệu. Trong năm 2002, quán Cà phê Trung Nguyên đầu tiên xuất hiện ở Tokyo (Nhật Bản).
Từ đây, cà phê Trung Nguyên được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên được nhiều người biết đến.
Tháng 11/2003, Nguyên Vũ thực sự gây kinh ngạc cho các nhà doanh nghiệp khi tung ra sản phẩm cà phê hòa tan mang tên G7. Cái tên nằm trong ý tưởng của Nguyên Vũ là sẽ chinh phục, chiếm lĩnh thị trường 7 nước phát triển.
Năm 2005, Hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.
Tham vọng lãnh đạo cà phê thế giới
Ngay từ đầu khi chọn logo cho Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ đã thể hiện hoài bão của mình: logo mũi tên là hình ảnh cách điệu của nhà rông Tây Nguyên - nơi khơi nguồn của cà phê Trung Nguyên, hình mũi tên hướng thẳng lên trời thể hiện ý chí chinh phục đỉnh cao, khát vọng vươn lên, phát triển vượt bậc. Ba vạch trắng trên logo là hình ảnh cách điệu của lối lên nhà sàn, thể hiện văn hóa của công ty luôn muốn duy trì bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, là cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi vạch trắng tượng trưng cho một yếu tố thiên, địa, nhân… Bảng hiệu của Trung Nguyên với sắc nâu là chính vì đó là màu của đất, của cà phê, của cội nguồn dân tộc. Tất cả đó là thương hiệu Trung Nguyên đậm chất văn hóa truyền thống Việt trên thương trường quốc tế.
Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn rằng, khi Trung Nguyên đến quốc gia nào thì người dân bản địa ở đó có được cảm giác như đang nghỉ ngơi từ 10 - 15 phút trong một Việt Nam thu nhỏ, trước khi vào đất nước Việt Nam thật sự.
Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, xây dựng thương hiệu gắn với các địa danh, vị trí địa lý của từng vùng là một cách tốt nhất để vẽ bản đồ nông sản Việt Nam trên thế giới, góp thay đổi bộ mặt kinh tế của nước nhà.
“Nỗi nhục tụt hậu, thua kém không của riêng ai. Hơn nữa, trong thời đại này thì doanh nhân là chiến sĩ thời bình. Tôi muốn mình là một chiến sĩ thực thụ, chiến đấu trên thương trường vì thương hiệu Việt” - Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng khái.
Có lẽ chính lý tưởng và ý chí mãnh liệt đó là yếu tố chính đã giúp anh thắng kiện Công ty Rice Field trong vụ tranh chấp quyền bảo hộ thương hiệu Cà phê Trung Nguyên kéo dài hơn 2 năm tại Mỹ. Việc một doanh nghiệp của Việt Nam có thể thắng kiện một công ty lớn của một quốc gia bá chủ về kinh tế là Mỹ ngay trên nước họ là một điều không tưởng! Nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ đã buộc cả thế giới phải thay đổi suy nghĩ đó.
Hiện nay, Đặng Lê Nguyên Vũ không tiếp tục phát triển cà phê Trung Nguyên theo chiều rộng mà ông đang đầu tư chiều sâu cho các cơ sở nội địa để hoàn thiện hình ảnh, củng cố công cuộc kinh doanh, bảo vệ nó khỏi những đối thủ cạnh tranh mới.
Đặng Lê Nguyên Vũ bật mí: “Chiến lược phát triển công ty của chúng tôi có 5 bước. Hiện tại chúng tôi đang hoàn thiện bước thứ 2. Bước đầu tiên là hình thành gây dựng thương hiệu, hoàn chỉnh khâu phân phối. Bước thứ hai là đưa chất văn hóa và sự đồng nhất vào sản phẩm, và vì bí mật kinh doanh cho phép tôi không nói, chỉ biết, bước cuối cùng là một Trung Nguyên toàn cầu”.
Khi nói về thương hiệu cà phê Starbucks, một tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới của Mỹ, Nguyên Vũ nói: "Chúng tôi coi Tập đoàn Starbucks là một đối thủ đầy tiềm năng, nhưng chúng tôi không sợ phải đối mặt với họ. Chúng tôi tập trung làm cho Trung Nguyên trở thành một điển hình của Việt Nam trên thế giới, phản ánh được nền văn hóa của đất nước qua cách thiết kế và cung cách phục vụ”.
Ông thẳng thắn nhận xét: "Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Trong năm 2013, Trung Nguyên xác định bước ra thị trường thế giới, mà trước hết sẽ tham gia vào thị trường Asean và coi đây là thị trường nội địa của mình. Bên cạnh đó, Trung Nguyên sẽ tiến vào thị trường Mỹ với việc xúc tiến mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, Boston...
Hiện, Trung Nguyên có khoảng 3.000 nhân viên, doanh thu năm 2012 đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011. Dự kiến doanh thu năm 2013 sẽ tăng gấp đôi do nhu cầu cà phê đóng gói ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc... tăng mạnh.
Ông chủ cà phê Trung Nguyên đặt ra mục tiêu đạt doanh thu một tỷ USD vào năm 2016 và thâm nhập thị trường Mỹ.
Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành một thần tượng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những câu chuyện khẳng định bản thân để vươn tới sự thành đạt. Đặng Lê Nguyên Vũ là một hình mẫu điển hình cho doanh nhân Việt Nam ở thế kỷ mới, luôn đau đáu với vận mệnh dân tộc, luôn khát khao cháy bỏng làm thay đổi hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu.
Như lời ông Nguyên Vũ đã nói: "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam và ở nhiều nơi trên thế giới. Giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu cà phê Trung Nguyên".
Theo giới doanh nhân phương Tây, tài sản cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Khi được Forbes vinh danh "Vua cà phê Việt, ông cùng với Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên, là một trong số những doanh nhân Việt được Forbes ca ngợi.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hải Sơn (Tổng hợp)